Gà trống nuôi con tâm thần
Ông Hồ Văn Hoài (ngụ tại xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè) chịu cảnh gà trống nuôi con đã nhiều năm nay kể từ khi vợ bỏ đi. Ông Hoài có 3 người con là em Hồ Thanh Vũ Hà (13 tuổi) và em Hồ Minh Thi (15 tuổi) và một người con trai út đã mất. Em Hà bị bệnh tâm thần nên ở nhà, thường xuyên la hét và đi lang thang khắp nơi, Minh Thi hiện đang học online tại nhà.
Căn nhà nhỏ cha mẹ để lại là tài sản lớn nhất của ông Hoài, nhờ vậy mà ông đỡ phần nào tiền thuê trọ hàng tháng. Tiền công phụ hồ của ông Hoài là 250.000 đồng/ngày, nhưng “bữa đực bữa cái”, nhiều lúc không có việc làm thì ông ở nhà chăm con.
“Ở xóm, anh em bà con thấy thương cũng phụ giúp thêm, cho gạo, đồ ăn cho mấy cha con. Nhìn con vậy thương lắm, mẹ nó bỏ, mình là cha thì phải cố nuôi chứ biết làm sao giờ”, ông Hoài thở dài.
Gà trống nuôi con đã không dễ dàng, ông Hoài lớn tuổi, điều ông lo sợ là lỡ một ngày ông gặp chuyện thì hai đứa nhỏ không biết phải làm sao. “Giờ mình không bỏ con được, khó khăn cách mấy thì mình cũng gắng mà nuôi tiếp được ngày nào hay ngày đó thôi”, ông nói.
“Hạnh phúc lắm”
Cũng giống với ông Hoài, gia đình ông Nguyễn Lý Phúc (51 tuổi) gặp hoàn cảnh tương tự khi một mình ông nuôi ba người con là Dương Thị Mỹ Dung (26 tuổi), Dương Quốc Lộc (22 tuổi) và Dương Phước Thọ (19 tuổi).
Ngoài Thọ theo ông Phúc đi phụ hồ thì 2 người còn lại dù đã lớn tuổi nhưng không được bình thường nên chỉ ở nhà phụ vài việc lặt vặt. Căn nhà nhỏ được họ hàng cho ở nhờ là nơi che nắng che mưa của 4 cha con. Gần nửa năm nay do Covid-19 bùng phát, ông Phúc thất nghiệp, không có thu nhập khiến ông và các con phải ăn uống qua loa, nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền, người thân để trụ lại qua mùa dịch.
Gia đình 4 người của ông Phúc ở tạm trong căn nhà nhỏ chật hẹp |
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Phạm Minh Tâm (Phó bí thư Huyện đoàn Nhà Bè) cho biết đã trao quà và gặp gỡ 100 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện này. Bên cạnh phần quà 500.000 đồng được công ty xi măng INSEE hỗ trợ cho mỗi người để san sẻ, Huyện đoàn Nhà Bè cũng kết hợp trao tặng gói an sinh để phần nào giúp đỡ các thợ hồ vượt qua Covid-19 cho đến khi công trường được hoạt động trở lại. Đây là một phần trong chương trình trao 400 suất quà của công ty INSEE cho thợ hồ, trong đó thông qua Báo Thanh Niên là 300 suất.
Nhận được hỗ trợ của Công ty INSEE và gói an sinh, ông Phúc không giấu nổi niềm vui, bày tỏ “hạnh phúc lắm” và xúc động cảm ơn vì nếu không có sự giúp đỡ, ông không chắc sẽ vượt qua đại dịch.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, những người làm thợ hồ chủ yếu là trụ cột chính trong gia đình. Công việc nặng nhọc, nhưng chưa dám nghỉ ngày nào, đặc biệt khi trong nhà còn người bệnh. Đó là tâm sự của ông La Văn Toàn (ngụ tại thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè) đã gắn bó với công việc thợ hồ nhiều năm qua. Vợ ông phải chạy thận, sức khỏe yếu nên quanh quẩn ở nhà. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Toàn thất nghiệp nhưng vẫn phải đưa vợ đi chạy thận mỗi tuần. Việc đi bệnh viện khó khăn hơn nhiều khiến ông Toàn thấp thỏm, lo lắng cho sức khỏe của vợ, vừa nặng đầu vì khoản chi phí thuốc thang.
Thăm hỏi động viên gia đình ông Toàn |
Anh Lê Chí Tâm (ngụ xã Hiệp Phước) đã mấy tháng không được gặp con trai vì gửi con về quê cho người thân chăm sóc. Dịch Covid-19 khiến cuộc sống nhiều người lao động nghèo đảo lộn, khó khăn chồng chất. Tuy vậy, luôn có những mạnh thường quân như Xi măng INSEE đồng hành, hỗ trợ không chỉ vật chất mà còn cả tinh thần với các người thợ hồ mưu sinh vất vả ở mảnh đất đầy “hoa lệ”.
Bình luận (0)