Reuters cho biết lệnh cấm áp dụng đối với đại sứ Hà Lan và các quan chức ngoại giao cấp cao, theo đó những người này không được đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quá cảnh, sử dụng không phận của Hà Lan. Trong khi đó, dân thường không phải là đối tượng nằm trong lệnh cấm.
Theo AFP, đại sứ Hà Lan Kees Cornelis van Rij đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động ngoại giao tại nước này hiện do quan chức khác phụ trách.
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói rằng đây là biện pháp đáp trả tương xứng với những điều phía Hà Lan đã làm. Đồng thời, ông tuyên bố Hà Lan phải chịu trách nhiệm về việc đó. "Những người gây ra cuộc khủng hoảng này có trách nhiệm sửa chữa nó", ông nói.
Phó thủ tướng Kurtulmus còn đe doạ rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể xoá bỏ thoả thuận với châu Âu về việc ngăn chặn người di cư.
tin liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sức ép với Hà LanThổ Nhĩ Kỳ ngày 13.3 tiếp tục triệu đại diện ngoại giao của Hà Lan ngày thứ ba liên tiếp để than phiền về cách thức giới cảnh sát TP.Rotterdam đối phó với những người biểu tình là kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan.
Những mâu thuẫn giữa 2 nước đồng minh này xuất hiện sau khi Hà Lan từ chối cho phép 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này để tham gia mít tinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý tại quê nhà vào ngày 16.4.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13.3 triệu tập quan chức ngoại giao Hà Lan để phản đối lệnh cấm trên và việc cảnh sát Hà Lan trấn áp người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở thành phố Rotterdam.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn so sánh Hà Lan với phát xít và đe doạ kiện nước này lên Toà án châu Âu về nhân quyền. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đáp trả rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần xin lỗi, đồng thời xem cách hành xử của Ankara là hoàn toàn không thể chấp nhận và thiếu trách nhiệm.
Chính quyền Hà Lan cũng đưa ra cảnh báo với người dân nước này về việc đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đức cũng cảnh báo tương tự, khuyến cáo người dân cần tránh xa các địa điểm đông người hay các cuộc mít tinh chính trị trong tình hình căng thẳng hiện nay.
Bình luận (0)