"Thở phào" sau ngày thi căng thẳng

03/06/2012 17:18 GMT+7

(TNO) Ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tâm lý TS được xem là ngày thi "căng thẳng" nhất vì có đến hai môn "thuộc bài": Sử và Địa. Tuy nhiên, kết thúc giờ thi môn Sử, nhiều TS đã "thở phào" nhẹ nhõm.

(TNO) Ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tâm lý TS được xem là ngày thi "căng thẳng" nhất vì có đến hai môn "thuộc bài": Sử và Địa. Tuy nhiên, kết thúc giờ thi môn Sử, nhiều TS đã "thở phào" nhẹ nhõm.

>> Gợi ý giải đề thi môn Địa
>> Gợi ý giải đề thi môn Hóa
>> Gợi ý giải đề thi môn Văn
>> Các thí sinh hoàn tất ngày thi đầu tiên
>> Cả nước có gần 2.600 thí sinh bỏ thi tốt nghiệp
>> Ngày đầu thi tốt nghiệp: Dễ đạt điểm trung bình
>> Hôm nay gần một triệu học sinh thi tốt nghiệp
>> Ngày 15.6, TP.HCM dự kiến công bố kết quả tạm thời thi THPT
>> Phao thi" tràn lan trước ngày thi tốt nghiệp

TP.HCM: Thí sinh bất ngờ với đề thi Sử 

Không yêu cầu nêu diễn biến những cuộc chiến tranh lớn, nhiều câu hỏi về lịch sử thế giới…, đề thi Sử chiều nay (3.6) khiến nhiều thí sinh bất ngờ và dễ dàng mất điểm nếu “học tủ”.

Thái An (học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5) nhận xét câu 1 và 2 của đề thi nếu học thuộc bài thì có thể làm được. Tuy nhiên, do chú trọng học diễn biến những cuộc chiến tranh lớn nên nhiều bạn lại bỏ qua những phần đề thi yêu cầu.

Tuấn Dũng (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết rất bất ngờ với đề thi này.

"Bình thường đề thi các năm đều ra nhiều câu lịch sử Việt Nam hơn thế giới nhưng năm nay lại khác. Nếu chỉ học lịch sử Việt Nam tốt sẽ cầm chắc 7 điểm trong tay. Nên với đề này, nhiều bạn sẽ bị mất điểm nếu "bỏ quên" lịch sử thế giới", Dũng nói.


Nhiều TS bất ngờ về đề thi môn Sử - Ảnh: Nguyên Mi

Theo nhiều TS, ở phần tự chọn câu số 1 là câu TS dễ bỏ qua không học từ trước nên sẽ chọn câu số 2. Tuy nhiên, câu số 2 thay vì hỏi về tổ chức ASEAN như thông thường thì lại hỏi về chiến lược phát triển kinh tế của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên Online, nhìn chung tâm lý của TS sau khi thi môn Sử là "thở phào nhẹ nhõm".

"Tụi em lo nhất là môn Sử vì khối lượng kiến thức nhiều và là môn học bài. Rất sợ quên! Tuy nhiên, giờ thi xong em thấy cũng "không đến nỗi", học trung bình chắc cũng được 6 - 7 điểm", TS Nguyễn Tấn Nghĩa (học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) nói.

"Xong môn Sử là thấy nhẹ nhàng! Không bị điểm dưới trung bình là được", Võ Minh Kiệt (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh), đùa vui cùng các bạn sau khi ra khỏi phòng thi.


TS "nhẹ nhõm" vì đã qua môn "thuộc bài" - Ảnh: Nguyên Mi

Kết thúc ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Không có TS hệ THPT nào của TP.HCM vi phạm quy chế thi. Riêng hệ GDTX, có một TS bị đình chỉ thi do bị phát hiện sử dụng tài liệu trong buổi thi môn Địa.

Hôm nay, có 150 TS vắng thi (hệ THPT) và 457 TS vắng thi ở hệ GDTX.

Đặc biệt, TS học Trường THPT Hùng Vương, bị tai nạn giao thông trên đường đi thi vào hôm qua (2.6), hiện vẫn hôn mê do tụ máu não, đang được theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.


Tâm sự với mẹ về bài thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đà Nẵng: Hai TS bỏ thi môn thứ 3 quay lại thi môn Sử

Kết thúc 90 phút làm bài thi môn Sử, TS Nguyễn Thị Hà, HĐT Trường THCS Lê Độ, cho biết: “Đề thi gồm 3 câu, kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình 12, lại không quá dài nên các bạn đều làm bài khá tốt, có thời gian để đọc lại bài thi chứ không cập rập như buổi sáng thi môn Địa”.

TS Nguyễn Thị Kim Liên, thi tại HĐT Trường THPT Trần Phú thì nhận định, đây là năm thứ 2 em thi lại tốt nghiệp và cũng là buổi thi làm bài tốt nhất từ trước đến nay.

“Đề không lắt léo, 3 câu hỏi đều rất cụ thể nên em làm bài tốt, dù em vốn sợ nhất là mấy môn học bài, nhưng hôm nay làm bài rất khả quan”, Liên cho biết.

Đà Nẵng: 2 thí sinh bỏ thi môn 3 quay lại trường thi môn Sử -  1
Nhiều TS lấy lại tâm trạng vui vẻ sau khi làm bài tốt ở môn thi Sử - Ảnh: D.Hiền

Đà Nẵng: 2 thí sinh bỏ thi môn 3 quay lại trường thi môn Sử  - 2
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp tại Đà Nẵng - Ảnh: D.Hiền

Tại HĐT Trường Lương Thế Vinh, một TS dự thi hệ THPT sau khi thi xong môn thứ 3 thì bị ốm nặng, phải bỏ thi môn Sử. Trong khi đó, 2 TS ở hệ GDTX, sau khi bỏ thi môn thứ 3 không lý do, thì quay trở lại trường xin thi môn Sử.

Có 160 TS GDTX không tham gia thi môn Sử vì đã được bảo lưu trong kỳ thi năm trước.

Dù ngày thi 2 môn Địa và Sử được dự báo sẽ có nhiều TS sử dụng tài liệu, nhưng kết thúc buổi thi thứ 2 của ngày 3.6 tại Đà Nẵng vẫn không có TS nào vi phạm quy chế thi.

* Cũng trong ngày 3.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã đi kiểm tra đột xuất về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ an ninh trường thi, cán bộ làm nhiệm vụ coi thi cùng các công tác hỗ trợ chăm sóc cho TS tại Đà Nẵng.

Hai HĐT được đoàn đến kiểm tra là Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.Liên Chiểu) và HĐT Trường THCS Phan Đình Phùng (Q.Thanh Khê).

Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Nghĩa đánh giá cao việc ngành GD-ĐT địa phương và lãnh đạo TP hỗ trợ tích cực cho TS, đặc biệt là công tác phân luồng giao thông để tránh tình trạng kẹt xe và tai nạn đáng tiếc cho TS trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi. Việc bố trí các phòng riêng cho TS gửi các vật dụng, điện thoại và tài liệu tạo tâm lý yên tâm cho TS.

Quảng Nam: Người cười, người lo

Chiều 3.6, sau khi kết thúc ngày thi thứ 2 với các môn thi được cho là “nhiều chữ”, trong khi nhiều TS thở phào nhẹ nhõm thì nhiều TS khác lại tỏ ra lo lắng vì làm bài không tốt.

Mặc dù là các TS đăng ký dự thi ĐH chủ yếu vào khối A, A1 và D nhưng với các TS tại HĐT Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đề thi môn sử năm nay không khó.

Theo nhiều TS, đề Sử ra tập trung vào các phần trọng tâm, cơ bản của môn lịch sử lớp 12 nên chỉ cần nắm chắc phần kiến thức này là đã có thể đạt điểm trên trung bình.

TS Hồ Quang Lộc, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Em vốn học chuyên tiếng Anh và đăng ký dự thi ĐH vào các khối A1 và D nên không chú trọng các môn thuộc khối C cho lắm. Nhưng theo em, đề thi môn Sử năm nay không khó. Em tự tin mình có thể giải quyết tốt 70% yêu cầu đề ra”.

Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm không khí thi cử rất nghiêm túc và tuyệt nhiên không có hiện tượng các TS mang “phao thi” đến điểm thi.

Trong khi đó, tại các HĐT Trường THPT Phan Bội Châu, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) rất nhiều TS tỏ ra lo lắng sau khi kết thúc giờ làm bài. Tại các HĐT này, “phao thi” được vứt tràn lan trên đường.

Do không chuẩn bị bài tốt nên nhiều TS đã mang theo rất nhiều “phao thi”. Bằng chứng là sau giờ làm bài, tại đoạn đường ngang qua cổng HĐT Trường THPT Phan Bội Châu, “phao thi” môn Sử được các TS vứt lại trắng cả mặt đường.

Theo Sở GD-ĐT Quảng Nam, kết thúc môn thi thứ 4, toàn tỉnh Quảng Nam có 59 TS vắng mặt; trong đó, hệ THPT có 44 TS, hệ bổ túc có 15 TS.

Quảng Nam: Người cười, người lo 2
Nhiều TS tại HĐT Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra về trước giờ kết thúc làm bài - Ảnh: Hoàng Sơn

Quảng Nam: Người cười, người lo 3
“Phao thi” trắng cả mặt đường - Ảnh: Hoàng Sơn

Cà Mau: Nhiều TS “trật tủ”

Khác với tâm trạng khi thi xong môn Hóa, kết thúc thi môn Sử chiều nay trên khuôn mặt nhiều TS thể hiện rõ lo âu khi xem lại đáp án.

TS Trần Hoàng Huy (HĐT Trường Nguyễn Việt Khái) lo lắng: “Trong 4 môn thi xong, môn Sử là em làm tệ nhất. “Trật tủ” ráo trọi, khi giám thị vừa phát đề đọc xong, mồ hôi em ra ướt cả lưng”.

Tại các HĐT Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Trường THPT Cà Mau, Trường THPT Đầm Dơi, Trường THPT U Minh… nhiều thí sinh cho biết là làm không tốt môn Sử.

Ở môn thi Sử, Cà Mau có 7 TS vắng thi ở khối THPT; 19 TS vắng ở khối GDTX và không có TS nào vi phạm quy chế thi.

Đề Sử không khó nhưng khiến học sinh bất ngờ

Đề thi môn Sử năm nay như vậy là dễ và đơn giản. Tuy nhiên học sinh lại bất ngờ vì đề ra không như học sinh dự đoán. Đề thi vẫn đòi hỏi các em học thuộc bài mới có thể làm được nhưng không phải nhớ về diễn biến sự kiện, thời gian…

Đề thi có 3 câu, với câu 1, bài học liên quan câu này rất dài nên các em sẽ bỏ qua không học. Câu 2 chỉ đơn thuần yêu cầu học sinh học thuộc bài. Phần tự chọn có câu 3a và 3b.

Với câu 3a đa số học sinh sẽ chọn vì đơn giản, đây cũng là kiến thức trọng tâm trong khi các em ôn tập. Câu 3b thực chất cũng là yêu cầu các em thuộc lòng nhưng khi học sinh nhìn vào lại thấy hơi lạ.

Nhìn chung đề thi năm nay không ra như các năm trước, có phần đơn giản hơn, học sinh dễ đạt điểm trên trung bình, nhưng để đạt điểm 9, 10 lại hơi hiếm. (Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ Sử Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM).

Dễ đạt điểm trên trung bình nhờ thuộc bài
 
Đề thi môn Sử nằm trong chương trình chuẩn và nâng cao, đề rõ ràng ngắn gọn dễ hiểu và có phần vận dụng kiến thức. Thang điểm cho từng câu hỏi hợp lý, học sinh không bị mất điểm ở phần thuộc bài.

Ở phần chung: Các câu hỏi nằm trong phần trọng tâm của chương trình, học sinh ít bị mất điểm trong phần này.

Ở phần riêng: Câu hỏi trong chương trình chuẩn dễ kiếm điểm hơn chương trình nâng cao.

Đề thi môn Sử năm nay vừa sức với học sinh. Nếu các em không biết vận dụng kiến thức thì vẫn có thể đạt điểm trung bình trở lên nhờ vào phần thuộc bài. (Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, Tổ trưởng tổ Sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM).

 Hoàng Quyên (ghi)

Nguyên Mi - Hoàng Quyên - Diệu Hiền - Hoàng Sơn - Gia Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.