Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN và Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã chủ trì hội nghị. Trong đề dẫn khai mạc hội thảo, nhà thơ Bằng Việt đánh giá cao những tìm tòi cách tân của thế hệ các nhà thơ miền Trung đáng ghi nhận trước đây như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê hay Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Phùng Quán… hoặc một số nhà thơ sống trong các đô thị miền Nam giai đoạn 1946-1975 như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa... “Chúng ta cũng rất ghi nhận sự cách tân và những đóng góp mới trong cách thể hiện của các nhà thơ lớn lên từ những phong trào đấu tranh của dân tộc ở các đô thị miền Nam thời kỳ đó, và có những bài thơ hay được lưu truyền rộng rãi của Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao… và cả Trịnh Công Sơn - ngoài thành tựu về âm nhạc, chính những ca từ của anh tràn đầy một chất thơ dẫn dụ mê đắm và luôn khắc khoải về thân phận con người”, Bằng Việt nhận xét.
Trong tham luận của mình, nhà thơ Văn Đắc của Thanh Hóa đánh giá cao những đóng góp của nhà thơ Hữu Loan và cho rằng hiện tượng thơ Hữu Loan khẳng định một điều: Nhà thơ viết tận cùng tình cảm với tất cả tâm huyết chân thành của mình bằng ngòi bút tài hoa thì nhất định tác phẩm ấy có sức sống bền lâu. Một nhà thơ miền Trung đương đại khác là Nguyễn Duy cũng được nhiều tham luận nhắc đến với nhận định: Thơ và đời Nguyễn Duy luôn có những biến động thăng trầm, không chịu ngồi yên, đứng yên, luôn muốn thơ và người hành động có ích cho cuộc sống nhân dân. Thơ Nguyễn Duy càng về sau càng có khuynh hướng đối lập với các loại thơ tháp ngà, véo von ẻo lả; anh góp cho thơ Việt Nam một tính cách khỏe khoắn, dường như dễ dãi mà hóm hỉnh, nói như chơi mà ngẫm nghĩ lại xa xót trong lòng…
Hội thảo tiếp tục trong 2 ngày với 35 tham luận về thơ nhằm đánh giá, khắc họa những đặc điểm của thơ đương đại trong sự phát triển của văn học đất nước hôm nay và giải đáp câu hỏi “Vì sao thơ hôm nay ngày một ít người đọc và làm cách gì để thơ hiện đại đến được với công chúng?”.
Việt Chiến
Bình luận (0)