Những ngày cuối ở Saint Petersburg, muốn tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian nước Nga, theo lời của mấy người bạn địa phương, chúng tôi tìm đến đảo Kizhi, nơi được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1990.
Thời gian dạo chơi trên đảo chỉ có nửa ngày nhưng ai cũng cảm thấy chuyến đi thật xứng đáng. Kizhi đẹp và độc đáo đến mức ai nấy đều muốn nắm bắt thật trọn vẹn từng khoảnh khắc trôi qua trên đảo.
Các kiến trúc có một không hai trên đảo nhỏ
Lâu nay, du khách đến với Kizhi phần lớn nhờ con tàu du lịch Esenin chạy dọc sông Volga nối Saint Petersburg với Moscow. Trong hành trình du ngoạn này, Kizhi là một trong những điểm đến nổi bật nhất. Chúng tôi đi đường bộ thì mua vé xe lửa từ Saint Petersburg để đi đến Petrozavodsk, thành phố nằm bên hồ Onega rồi mới xuống tàu ra đảo.
Từ trên xe lửa nhìn ra, một phần phong cảnh nước Nga chạy qua trước mặt, đẹp như những tấm ảnh khiến bao người say mê suốt thời thơ ấu. Nào là mấy nhánh sông êm đềm, các hồ nước mênh mông như biển, những ngôi làng xinh đẹp ẩn mình bên cánh rừng bạch dương xanh ngắt, những cù lao trên sông có tháp nhà thờ vươn cao cổ kính. Tàu chạy qua mấy ngôi nhà ven sông, thật bất ngờ nơi đây vẫn còn thấp thoáng các cô gái dịu dàng trong bộ váy kiểu nước Nga nô đùa trên những chiếc xích đu, vẫn còn những chàng thanh niên đánh xe ngựa trên nẻo đường quê thanh vắng…
Bến tàu thủy đi Kizhi nằm không xa trung tâm thành phố Petrozavodsk. Vào mùa xuân, mỗi ngày có năm chuyến tàu ra đảo. Cần nói thêm, Kizhi là một trong quần thể năm ngàn hòn đảo nằm ở phía bắc hồ Onega rộng lớn. Đặt chân lên đảo, bầu không khí trong lành và những cơn gió từ hồ thổi lên làm ai nấy thấy thật sảng khoái.
Đang mùa xuân, các con đường mòn trên đảo đều tràn ngập hoa dại. Trong các khu vườn, hoa táo hoa lê cũng nở trắng xóa. Kizhi dài khoảng bảy cây số và rộng chưa đến một cây số nhưng có đến 89 công trình hoàn toàn bằng gỗ theo kiểu truyền thống miền bắc Nga với kiến trúc rất độc đáo. Trong số những công trình kiến trúc trên đảo, nổi bật nhất phải kể đến Preobrazhenie Gospodnya (nhà thờ Biến hình). Nhà thờ được xây dựng theo kiểu
Ba Rốc với 22 chóp mái. Hình dạng và kích thước các chóp mái thay đổi theo tầng, tạo ra một hình ảnh tổng quan vô cùng ấn tượng. Tên của người thực hiện việc xây dựng nhà thờ này đến nay vẫn chưa xác định, chỉ biết rằng nó được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1714 - 1722.
Một điều đặc biệt nữa là các tường gỗ của nhà thờ được dựng lên vững chãi mà không cần nhờ đến sự hỗ trợ của móng đá, duy nhất chỉ có nhà thờ phụ bên hông phía tây mới được dựng trên nền móng đá. Tường nhà thờ được ốp bằng gỗ thông đuôi ngựa, mái nhà thờ và bậc tam cấp được ốp từ gỗ vân sam và gỗ bạch dương. Phòng ăn được đóng lại bằng các cánh cửa có ba trục lăn.
Lối vào trong nhà thờ được làm thành dạng bậc tam cấp hai lối vào có mái che. Tòa thánh đường cao 37 m này được xây dựng theo nghề mộc cổ xưa của Nga là không hề sử dụng đinh để kết nối ở các kết cấu chính của công trình. Preobrazhenie Gospodnya được xếp loại nhà thờ “mùa hè”, tức là mùa đông không thể tiến hành làm lễ ở đây được.
Bức tranh nông thôn xưa của nước Nga
Đã có nhà thờ mùa hè, đương nhiên sẽ có nhà thờ mùa đông. Nhà thờ Pokrov là dạng nhà thờ mùa đông (có sưởi ấm), có thể hành lễ từ ngày 1 tháng 10 tới lễ Phục sinh. Nhà thờ này có 9 chóp mái được xây dựng vào năm 1764. Ở đây có thể tổ chức các nghi lễ kể cả trong những ngày lạnh nhất vùng bắc Nga bởi có hệ thống sưởi ấm hiệu quả. Bên trong giáo đường Pokrov hiện còn nhiều bích họa cổ xưa rất đẹp mô tả lại những nét văn hóa dân gian trong vùng.
Có quy mô nhỏ hơn nhà thờ Biến hình và nhà thờ Pokrov, nhà thờ Lazar Phục sinh không được xây dựng trên đảo mà được chuyển về từ tu viện Muromskii. Nhà thờ này có kích thước khiêm tốn nhưng lại là nơi lưu giữ và trưng bày những khung tranh thánh quý giá. Hai bức tường trong nhà thờ có nhiều tranh và tượng điêu khắc về các thánh. Người ta cho rằng nhà thờ được chuyển về đảo vào thế kỷ thứ 16. Cũng giống như nhà thờ Phục sinh, nhà thờ nhỏ Mikhail Arkhangel được chuyển về đảo Kizhi từ làng Lelikozero. Trong nhà thờ này cũng có lưu giữ vào khung tranh thánh và điều đặc biệt là trần nhà được trang trí kín các bức tranh thánh có niên đại khoảng cuối thế kỷ 17.
Bên cạnh kiến trúc tôn giáo, khu nhà gỗ nông dân và những làng nghề thủ công cũng là nơi du khách thấy được nhiều nét thú vị của đời sống nông thôn nước Nga xưa. Nơi đây có những cô gái Nga trong trang phục truyền thống ngồi đan những sản phẩm bằng những nguyên liệu lau sậy có sẵn trên mặt hồ Onega. Nhiều người thích thú chạm vào những con quay dùng để kéo sợi bằng tay.
Riêng tôi lại thích ngắm những cánh đồng lúa mì mênh mông và các khu vườn nơi mà hoa màu được trồng theo những phương pháp cũ. Phía đông của hòn đảo có quần thể các công trình bằng gỗ khác như nhà ở, hàng rào, tháp chuông, những nhà nguyện. Tất cả công trình này tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về miền thôn quê thơ mộng của nước Nga.
Thời gian trên đảo trôi qua thật nhanh, chúng tôi lên tàu thủy vượt gần 70 cây số để về đến thành phố bên hồ Onega rồi lại lên xe lửa trở về Saint Petersburg. Bao nhiêu cảnh đẹp đổi thay qua từng vùng theo hành trình của tàu: Lúc những rừng dương ửng vàng dưới nắng mai soi bóng xuống dòng sông, lúc thì những ngôi nhà thờ lộng lẫy e ấp giữa những tán cây xanh và bãi cỏ mướt mắt như trong bưu thiếp, lúc những ngọn đồi nhấp nhô uốn mình theo bờ sông với những vạt hoa tím vàng trải dài, cảnh hoàng hôn chiều tím hồng phía chân trời bên rừng bạch dương… Vậy mà cuối cùng, hình ảnh đậm nét nhất in trong trí nhớ của tôi vẫn là những tuyệt tác kiến trúc gỗ nằm trên đảo nhỏ Kizhi lộng gió.
Bình luận (0)