Dưới sự bảo trợ và vai trò trung gian của EU, Serbia và Kosovo vừa đạt được thỏa thuận mới giúp tháo gỡ một số vướng mắc trong quan hệ. Cả ba đều ngợi ca thỏa thuận là sự đột phá lịch sử, đều coi là thắng lợi của chính mình và đều hiểu nó theo cách riêng.
Cửa khẩu biên giới Serbia và Kosovo bị đóng hồi năm 2011 - Ảnh: Reuters
|
Đối với EU thì điều này rất dễ hiểu. Chỉ cần Serbia và Kosovo bớt căng thẳng và giảm đối đầu, bất kể trong chuyện gì và với mức độ nào, thì đều là thắng lợi đối với EU. Thỏa thuận nói trên định hướng cho quan hệ hợp tác giữa Serbia và Kosovo trên lĩnh vực năng lượng và truyền thông. Nhưng quan trọng hơn cả là giải pháp cho vấn đề vị thế pháp lý của cộng đồng người Serbia ở Kosovo được bao hàm trong đó.
Nhượng bộ của phía Serbia là chấp nhận thỏa thuận với Kosovo. Như thế tuy không phải là sự công nhận chính thức nền độc lập của Kosovo nhưng cũng đủ để coi là chấp nhận quan hệ ngang bằng trên thực tế với Kosovo. Nhượng bộ cơ bản của phía Kosovo là dành cho cộng đồng người Serbia ở Kosovo những quyền tự trị cơ bản và sâu rộng đến mức chẳng khác gì đã trở thành một “nhà nước trong nhà nước”. Cái thua thiệt ở cả hai phía thật ra cũng lớn không kém gì cái được của họ. Cũng chính vì thế mà bên nào cũng tìm cách hiểu và luận giải thỏa thuận theo cách riêng.
Việc thực thi cụ thể vì thế sẽ không đơn giản và dễ dàng chút nào. Nhưng xem ra thì việc thực hiện không được hai phía coi trọng và ưu tiên bằng việc đạt được thỏa thuận. Cả hai đều muốn gia nhập EU và vì thế không thể không chấp nhận những điều kiện của EU, không chỉ ở thỏa thuận lần này mà cả những lần sau cũng vẫn sẽ chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Bình luận (0)