Thoái hết vốn nhà nước ở hai ‘ông lớn’ ngành bia

01/09/2016 06:30 GMT+7

Chính phủ sẽ thoái hết vốn hai “ông lớn” ngành bia là Sabeco và Habeco.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ chiều qua (31.8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ thoái hết vốn ở hai “ông lớn” ngành bia là Sabeco và Habeco trong khoảng 18 tháng tới, với số tiền thu về ít nhất cũng lên tới gần 50.000 tỉ đồng.
"Thủ tướng nói Chính phủ không đi bán bia, bán sữa bởi đây là những ngành mà tư nhân hoàn toàn làm tốt", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt lại thông điệp của Thủ tướng.
Rộng cửa cho nhà đầu tư ngoại
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết thêm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã yêu cầu hai doanh nghiệp thuê tư vấn để chuẩn bị các phương án thoái vốn tiếp. Do quy mô vốn của Habeco nhỏ hơn nhiều so với Sabeco nên doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội sẽ thoái hết vốn ngay trong năm nay. Hiện nhà nước vẫn nắm giữ gần 82% cổ phần vốn tại Habeco, tương đương khoảng 9.000 tỉ đồng, trong khi tỷ lệ vốn nhà nước tại Sabeco là gần 40.000 tỉ đồng, tương đương gần 90% cổ phần.
"Bộ đã có lộ trình thoái vốn tại Sabeco theo hai đợt. Trong năm nay sẽ bán bớt 24.000 tỉ đồng, tương ứng trên 53,5% cổ phần. 16.000 tỉ còn lại sẽ thoái hết trong năm 2017 sau khi lên sàn", ông Hải cho biết và khẳng định việc thoái vốn tại hai "ông lớn" này sẽ rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài chứ không phân biệt doanh nghiệp nội hay ngoại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết theo quy định, sau một năm IPO, các doanh nghiệp đủ điều kiện phải tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán, thế nhưng cả hai “ông lớn” ngành bia vẫn chưa lên sàn nên bộ chủ quản cần quyết liệt đốc thúc.
Lấy mẫu xét nghiệm 3.900 tấn hải sản đông lạnh
Tại buổi họp báo, các vấn đề xử lý hậu sự cố Formosa tiếp tục được báo chí quan tâm, như vẫn còn hơn 3.900 tấn hải sản trong các kho đông lạnh tại 4 tỉnh miền Trung, bao giờ tiền đến tay ngư dân... Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ quan này đã cùng Bộ NN-PTNT ra văn bản chung hướng dẫn các địa phương phân lô, lấy mẫu ở tất cả các lô để chuyển về 2 phòng xét nghiệm quốc gia. "Chỉ những lô nào có mẫu đạt tiêu chuẩn an toàn thì mới được bán ra thị trường. Các lô còn lại phải tiêu hủy và được đền bù, hỗ trợ theo quy định để đảm bảo nguyên tắc an toàn sức khỏe của người dân là trên hết", ông Long nhấn mạnh. Dù vậy, đại diện ngành y tế thừa nhận đây là việc khó khăn và mất thời gian nên cần làm thận trọng và kiên nhẫn.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay dù Formosa đã chuyển đủ số tiền bồi thường 500 triệu USD nhưng cần thời gian tập huấn thêm xuống các địa phương để xác định đúng đối tượng, đúng mức hỗ trợ phù hợp. Do vậy, tại hội nghị ở Huế ngày 27.8, các địa phương cho rằng hạn phải báo cáo về mức thiệt hại, bồi thường cụ thể vào ngày 10.9 là không kịp nên đã xin phép Chính phủ và đã được đồng ý gia hạn đến giữa tháng 9.2016. "Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo toàn bộ kiến nghị, đề xuất từ địa phương để cuối tháng 9 lãnh đạo Chính phủ sẽ ký quyết định phân bổ tiền", ông Tám nói.
Liên quan đến thông tin một số ngân hàng từ chối cho ngư dân miền Trung vay tiền đóng tàu, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có tình trạng này. "Lý do là ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, các ngân hàng thấy việc đóng tàu đi biển không có khả năng thu hồi vốn nên ngân hàng thận trọng", bà Hồng giải thích.
Sẽ công bố nguyên nhân hai lãnh đạo Yên Bái bị sát hại
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về nguyên nhân của vụ xả súng khiến hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái chết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng đã trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thị sát kiểm tra tình hình. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã giao Văn phòng Chính phủ thông báo tại Công văn số 1728 ngày 17.8, trước hết là ổn định tình hình, thứ hai là bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Giao cho Bộ Công an tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, tìm ra nguyên nhân sự việc. Hiện Bộ Công an đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. "Kết quả điều tra vụ án thế nào, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo tới cơ quan báo chí. Đây là vấn đề rất quan trọng, thời gian rất ngắn nên chưa đủ điều kiện để các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân của vụ việc", Bộ trưởng Dũng nói.
Liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011 - 2013) tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC); kiểm tra, kết luận rõ đúng sai việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh... nhưng đến nay chưa có kết quả. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ báo cáo vấn đề thuyên chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo của Bộ Nội vụ dù đã quá hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.