Thoát khỏi lưỡi hái tử thần - Kỳ 2: Xe khách rơi xuống vực, 2 người sống sót kỳ diệu

09/04/2014 14:05 GMT+7

(TNO) Khi ấy, xe ô tô khách chở 47 người, trong đó có ông Đỗ Thiện Tuân (61 tuổi, ngụ thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị xe cẩu đâm, hất rơi xuống vực đèo Hải Vân. Tai nạn quá kinh hoàng nên hầu hết mọi người đều thiệt mạng, chỉ có 2 người sống sót kỳ diệu.

>> Thoát khỏi lưỡi hái tử thần  


Ông Đỗ Thiện Tuân kể lại vụ tai nạn kinh hoàng của 33 năm về trước - Ảnh: N.Long

Ông Tuân còn nhớ như in vào một chiều tối tháng 6.1981, trời đang mưa phùn trên đèo Hải Vân, ranh giới giữa Đà Nẵng và Huế, chiếc ô tô khách chở 47 người bị một chiếc xe cẩu đi ngược chiều đâm rơi xuống vực khiến 45 người thiệt mạng.

“Chỉ có tôi và một bác sĩ sống sót sau vụ đại nạn năm đó. Nhưng giờ thì vị bác sĩ này đã chết cách đây vài năm rồi”, ông Tuân nói.

Sống sót nhờ nhường chỗ cho bà cụ

Ông Tuân sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Sau đó, ông học đại học ở Huế, còn gia đình thì vào Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống. Năm đó, chàng trai trẻ Đỗ Thiện Tuân mới 27 tuổi, sau khi học xong đại học ở Huế thì vào Bà Rịa-Vũng Tàu đoàn tụ với gia đình và công tác tại Công ty muối Bà Rịa.

Sau nhiều năm xa quê hương, tháng 6.1981, chàng trai trẻ này xin đơn vị nghỉ phép để về thăm quê.

33 năm đã qua, nhưng ông Tuân không bao giờ quên giây phút kinh hoàng đó. Ông kể, lúc đó tôi đi trên xe khách xuất phát từ TP.HCM. Trên xe đa phần là cán bộ công nhân viên chức, vì lúc này người dân ít ai được đi xe khách. Khi xe đến đèo Hải Vân thì gặp mưa phùn. Lên hơn nửa đèo, tôi thấy có bà cụ mặc áo mưa đứng đón nhiều xe khách nhưng không xe nào dừng để chở cụ. Nhờ quen với tài xế, nên tôi tác động để xe dừng lại chở bà cụ. Khi bà lên xe thì tôi nhường ghế cho bà ngồi, còn tôi đứng ngay cửa lên xuống để quay phim cảnh vật bên đường.

“Khoảng 10 phút sau, tôi nghe trong xe mọi người la hét rất lớn. Tôi quay đầu nhìn thì thấy xe cẩu đang lao tới đối đầu với xe khách. Tôi liền nhảy ra ngoài qua cửa lên xuống nhưng cũng không kịp, bị xe cẩu tông vào gãy chân trái”, vừa nhâm nhi nước trà nóng, ông Tuân kể lại vụ tai nạn.


Tấm hình ông Tuân điều trị sau tại nạn trong Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh chụp lại tại nhà nhân vật

Lúc bị gãy chân và nhiều vết thương trên người nên ông Tuân bất tỉnh. Một tiếng nổ vang lên (bánh xe bị nổ - PV) nên ông Tuân giật mình tỉnh dậy.

“Tôi đau nhức cả người. Lúc này tôi đang kẹt gần ngay bánh xe cẩu. Tôi cố trườn ra ngoài nhưng không được. Tôi thấy cái chân mình đã gãy thành hai khúc. Còn chiếc ô tô khách thì rơi sâu xuống vực gần 20 m. Nhiều xác người văng ra khỏi xe khách, nằm la liệt trên các tảng đá, nhiều người vẫn mắc kẹt bên trong”, ông Tuân kể lại.

Gần 1 tiếng sau khi vụ tai nạn xảy ra, hai vợ chồng thầy giáo đang dắt bộ xe máy từ Đà Nẵng ra Huế đi trên đèo Hải Vân thấy vậy liền đứng lại để cứu người.

Nghe tiếng kêu cứu của ông Tuân, hai vợ chồng đến lôi ông Tuân, lúc đó đang cố trườn ra khỏi khu vực bánh xe cẩu. Người đàn ông vừa cứu giúp ông Tuân vừa hỏi ông Tuân tên gì.

 
 Hai lần chết hụt

Trước vụ tai nạn xe ô tô trên, ông Tuân cho biết vào những năm 1978, 1979 ông từng chết hụt một lần. Năm đó, ông Tuân đi theo ghe áp tải muối sang Campuchia. Khi đang đi trên sông, ghe áp tải của ông bị nạn và nổ. Những người trên ghe chết hết, còn ông rơi ra khỏi ghe, ôm can nhựa suốt một ngày đêm trôi trên sông thì được ngư dân ở Tiền Giang cứu vớt.

Sau vụ tai nạn ô tô vài năm, ông Tuân chuyển sang ngành thu mua gỗ rừng. Đoàn xe chở gỗ của ông Tuân đi qua cầu Tà Pao (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) thì cầu sập. Ông Tuân bị rơi xuống suối cùng xe ô tô nhưng chỉ bị thương nhẹ phần đầu.

Nghe tiếng nói quen, ông Tuân liền hỏi: “Có phải là Lê Trực không? Tôi là Đỗ Thiện Tuân, học ở Trường đại học Huế đây”. Lúc này, ông Trực cũng nhận ra ông Tuân.

Một lúc sau, bạn của ông Lê Trực đi ngang hiện trường thấy vụ việc cũng cùng vợ chồng ông Trực dùng cây gỗ nẹp chân bị gãy của ông Tuân rồi xé áo tạo thành sợi dây buộc vết thương của ông Tuân.

Sau này ông Tuân biết được người cùng vợ chồng Lê Trực cứu mình cũng học chung Trường đại học Huế.

Nhờ có võ

Sau đó, ông Tuân được lực lượng cứu hộ đưa lên đình đèo Hải Vân để sơ cứu vết thương ban đầu.

“Khi lên đèo, tôi được anh Nguyễn Tiến Dũng lúc đó là cán bộ Công an ở Huế nghe tin tôi bị tai nạn liền cho ô tô chở tôi đến Bệnh viện Huế rồi nhờ các bác sĩ cứu chữa. Nhờ vậy mà cái chân tôi vẫn còn nguyên vẹn”, ông Tuân nhớ lại.

Nhớ lại vụ tai nạn thảm khốc năm đó, ông Tuân cho biết bây giờ ngồi kể lại mà cảm giác vẫn còn nổi gai ốc.

“Khi chưa có hầm thông đèo Hải Vân, mỗi lần về thăm quê bằng ô tô riêng, tôi đều dừng trước hiện trường vụ tai nạn năm xưa mà cúi đầu tưởng niệm”, ông Tuân chia sẻ.

Sau này, khi ông Dũng nghỉ hưu, để cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của ân nhân, ông Tuân đã tặng bạn mình một mảnh đất có căn nhà cấp bốn cho vợ chồng ông Dũng tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức để ở và an dưỡng tuổi già.

Từ khi còn là sinh viên ở Trường đại học Huế, ông Tuân đã thành lập và quản lý 3 võ đường để dạy cho học sinh, sinh viên. Chính vì vậy, tên tuổi của ông Tuân trong trường và ở Huế lúc đó được nhiều người biết đến.

Nhắc đến vụ tai nạn, ông Tuân cho biết khi nghe tiếng kêu la của những người trong ô tô, ông nhìn thấy xe cẩu lao tới nên phóng nhanh ra ngoài cửa để thoát thân.

“Nhờ vậy mà tôi chỉ bị gãy chân và xương vai thôi, nếu không thì chết rồi. Sau này, tôi nghe nói cụ già tôi nhường ghế ngồi bị đứt đôi người trong vụ tai nạn hôm đó.… May mà có miếng nghề trong tay chứ không thì chết thật rồi”, ông Tuân chia sẻ.

Nguyễn Long

>> Thoát chết may mắn
>> Xe tải rơi vực sâu 50 m, tài xế thoát chết hy hữu
>> Thoát chết hy hữu khi xe lọt "hố tử thần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.