|
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam sành hơn 7 năm tuổi, rộng gần 2 ha đang trĩu quả, ông Nuôi hồ hởi giới thiệu, cam sành là loại cây dễ trồng, ít bệnh lại mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần cây sầu riêng, thậm chí gấp 2 lần cây cao su. Ông Nuôi kể, khoảng năm 2006 – 2007, mảnh vườn cam hiện tại là vườn cây sầu riêng. Thấy khu vườn còn nhiều khoảng đất trống nên ông mua hơn vài trăm gốc cam sành thử trồng xen để tích lũy kinh nghiệm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng nên vườn cây sầu riêng không chịu đất và chết dần trong khi vườn cam bắt đầu phát triển mạnh.
Sau gần 3 năm trồng xen, vườn cam sành của ông cho vụ trái đầu mùa với thu nhập trên 500 triệu đồng. Xác định đây là mô hình cây trồng thích hợp trên vùng đất nhà và đem lại kinh tế ổn định cho gia đình, ông Nuôi quyết định phá bỏ cây sầu riêng để đầu tư toàn bộ vùng đất để trồng cam sành. Để có kinh nghiệm trồng cam, ông Nuôi chủ động học hỏi kinh nghiệm trồng từ những người trồng cam sành tại Tây Ninh và các tỉnh miền Tây. Song song đó, ông thường xuyên theo dõi và học tập kinh nghiệm phòng và trị bệnh từ các chương trình khuyến nông phát sóng trên ti vi. “Trồng cam quan trọng nhất là chủ động được vùng đất, nước tưới, loại thuốc và bón phân hợp lý”, ông Nuôi chia sẻ. Hiện tại, mỗi vụ, ông Nuôi thu hoạch được hơn 60 tấn cam sành/ha với giá ổn định từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Theo ông Nuôi, mỗi năm, trừ hết các chi phí, gia đình ông thu về trên 1 tỉ đồng/ha. Sắp tới, gia đình ông đầu tư mở rộng thêm 2 ha để trồng cam sành. Nói về đầu ra cho trái cam, ông Nuôi tự tin: “Chỉ sợ không có đủ cam mà bán thôi”. Theo ông Nuôi, người nông dân trồng cam bây giờ không phải lo như ngày trước nữa, chưa đến mùa là thương lái ở trong tỉnh và các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM tìm đến tận vườn thu mua. Thậm chí, nếu chủ vườn cần tiền ứng thì họ sẵn sàng ứng trước. Với vườn cam sành đang cho thu nhập ổn định, mô hình kinh tế của gia đình ông được nhiều bà con xung quanh đến tìm hiểu và mua giống về trồng. Cứ ai muốn hỏi về kinh nghiệm trồng thì ông lại dẫn ra tận vườn cam để hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu nhất. Từ chọn vùng đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc phun an toàn cho đến cách phun hiệu quả nhất. Từ mô hình hiệu quả này, nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận quyết định phá bỏ vườn tạp hoặc cải tạo lại vườn để trồng cam, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thoát nghèo.
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong, H.Tân Biên cho biết, với mô hình trồng cam sành của hộ ông Nuôi và một vài hộ dân trong xã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới xã có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trồng cam cho nông dân để đạt năng suất cao nhất. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế cho người nông dân.
Giang Phương
>> Giá cam sành tăng kỷ lục
>> Những tỉ phú nông dân - Kỳ 4: Đột phá với cam sành
>> Vị ngọt cam sành Ngã Bảy
>> Cam sành bỗng dưng… chết dần chết mòn
Bình luận (0)