Thoát vị đĩa đệm

27/12/2007 14:50 GMT+7

Theo y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm thuộc phạm vi chứng yêu thống (đau lưng), yêu thống liên tất (đau lưng lan xuống gối).

Nguyên nhân

Theo y học cổ truyền, có những nguyên nhân có thể gây thoát vị đĩa đệm như: do chấn thương, do cảm phong, hàn, thấp, nhiệt, do tuổi già, do lao động quá sức, do sinh hoạt tình dục không điều độ, do ảnh hưởng của bệnh mãn tính...

Theo lương y Phạm Như Tá (TP.HCM), khi ngoại tà như: phong, hàn, thấp, nhiệt bên ngoài xâm nhập vào cơ thể làm cho kinh mạch ở vùng lưng bị ngăn trở gây nên đau. Cũng có thể do tuổi già, suy yếu, lao động quá sức, sinh hoạt tình dục quá mức khiến cho các lạc mạch ở vùng lưng không được nuôi dưỡng tốt, các đĩa đệm dần dần bị khô, cứng sẽ gây nên đau. Vùng lưng có quan hệ đến thận, nếu thận suy yếu cũng sẽ gây nên đau. Ngoài ra, khí và huyết nếu không vận hành được sẽ khiến cho huyết bị ngưng trệ cũng gây nên đau; chấn thương do té ngã làm cho huyết bị ứ trệ, ảnh hưởng đến các kinh mạch, lạc mạch ở vùng lưng cũng gây nên đau...

Các thể bệnh


Ma hoàng - ảnh: H.Mai

Theo y học cổ truyền, bệnh gồm có các thể sau: thể hàn thấp - biểu hiện đau ở vùng lưng, có cảm giác nặng ở lưng dưới, hoặc có cảm giác như ngồi vào chậu nước đá lạnh hoặc như có vật gì nặng đè vào lưng, tay chân lạnh, tay chân không có sức, ấn vào đau hơn, gặp lạnh hoặc thời tiết âm u thì đau tăng (chườm nóng thì giảm đau), tiểu nhiều, nước tiểu trong, lưỡi nhạt, rêu lưỡi nhờn... Điều trị thể bệnh này là "ôn kinh, tán hàn, trừ thấp, chỉ thống", bằng việc dùng bài thuốc "phụ tử ma hoàng quế chi thang gia vị", gồm các vị thuốc (xuyên ô, phụ tử, quế chi, độc hoạt, cát căn, can khương - mỗi loại 9gr, ma hoàng, cam thảo - cùng 6gr, và tế tân 3gr).

Tiếp theo là thể phong thấp - biểu hiện: lưng đau trên dưới không nhất định nhưng thay đổi, vùng lưng đau thường kèm nặng và chuyển xuống dưới các ngón chân, kèm mất cảm giác, thay đổi theo thời tiết, sợ gió, sợ lạnh, cơ thể nặng nề, lưỡi trắng nhạt, rêu lưỡi vàng... Điều trị thể này là "khu phong, hóa thấp, thông kinh hoạt lạc", với bài thuốc "độc hoạt ký sinh thang", gồm các vị: tang ký sinh 18gr, thục địa 15gr, đương quy, đảng sâm, phục linh, tần giao, đỗ trọng (đều 12gr), độc hoạt, phòng phong, xuyên khung, bạch thược, ngưu tất (cùng 9gr), tế tân, nhục quế, cam thảo (mỗi vị 3gr).

Ở thể thấp nhiệt - biểu hiện bằng thắt lưng đau thường xuyên, kèm cảm giác nóng, thắt lưng sưng, nặng, người bệnh không thể cúi người về phía trước hoặc ngửa ra sau được, bứt rứt, ra mồ hôi, khát, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm, tiểu buốt, táo bón, rêu lưỡi vàng nhờn... Điều trị bằng "thanh nhiệt, hóa thấp, chỉ thống", với bài "tứ diệu hoàn gia vị", gồm các vị thuốc: ý dĩ nhân 30gr, thương truật, ngưu tất (cùng 12gr), hoàng bá, tần giao (cùng 9gr).

Thể thận hư - triệu chứng thường là vùng thắt lưng đau ê ẩm, bước đi như không có sức, đứng lâu chân như muốn khụy xuống, khi mệt mỏi thì khó chịu hơn, nằm hoặc nghỉ ngơi, xoa bóp thì dễ chịu hơn, sốt về chiều, mồ hôi trộm, họng khô, lưỡi dơ... Điều trị thể thận hư là "bổ thận, tư âm, giáng hỏa, thông kinh hoạt lạc" bằng bài thuốc "tả quy hoàn gia giảm", gồm các vị thuốc: thục địa, đỗ trọng (mỗi vị 12gr), sơn dược, sơn thù du, câu kỷ tử, ngưu tất, thỏ ty tử, tang ký sinh (cùng 9gr), lộc giác giao, quy bản giao (đồng 6gr).

Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: cho các vị thuốc vào cùng 4 chén nước, nấu còn 1 chén. Lấy xác thuốc đó cho tiếp 3 chén nước vào nấu còn lại nửa chén. Hòa hai nước thuốc lại chia làm 3 lần để dùng trong ngày (dùng lúc nóng ấm). Đợt trị liệu từ 15-20 ngày.

Hạ Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.