Thời cơ chín muồi để thành lập Khu Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

25/12/2021 11:30 GMT+7

Kết luận hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý “Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” vào hôm qua (24.12), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá việc hình thành một KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã chín muồi và cần đẩy nhanh tiến độ để phát huy hiệu quả các tiền đề hiện có như quỹ đất, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhu cầu của doanh nghiệp (DN), nhân lực trình độ cao…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ (thứ 3, thứ 4 từ trái sang) trao đổi với các doanh nghiệp tham gia hội thảo

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá việc hình thành một KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã chín muồi và cần đẩy nhanh tiến độ để phát huy hiệu quả các tiền đề hiện có như quỹ đất, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhu cầu của doanh nghiệp (DN), nhân lực trình độ cao…

Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp TP.HCM chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đóng góp khoảng 16% quy mô cả nước. Dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tính liên kết giữa các DN chưa cao, phân bổ quỹ đất chưa phù hợp… Hội thảo lắng nghe hơn 10 ý kiến trao đổi về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư; mô hình hoạt động, vận hành; vai trò cơ quan quản lý nhà nước và vai trò của các DN...

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) cho rằng vì TP.HCM đi sau nên cần nghiên cứu mô hình phù hợp để rút ngắn khoảng cách và đi cùng với các nước, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, TP.HCM nên tập trung vào 2 ngành có nhiều lợi thế: công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí - điện - điện tử và công nghiệp chế biến thực phẩm. Về vị trí, ông Dương đề xuất nên đặt ở các tuyến đường vành đai để thuận tiện cho vận chuyển, đồng thời quy hoạch bên trong bài bản. Bên cạnh đó, các DN trong KCN cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị chứ không thể mạnh ai nấy làm.

Đồng quan điểm, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng cần triển khai xây dựng, bố trí hợp lý các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa theo chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời xây dựng thể chế phát triển khu/cụm công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tập trung vào tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Phát huy nguồn lực tư nhân

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đánh giá các ý kiến trình bày mang tính khoa học nhưng phản ánh được thực tiễn hoạt động các KCN, KCX trên địa bàn, các hiến kế và đề xuất mang tính khả thi cao. Các ý kiến nêu tại hội thảo đều chung nhận định các KCN cũ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, và không còn phù hợp với điều kiện mới nên phải đổi mới, cải tiến công nghệ và quy trình. “Đầu tư KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vừa là yêu cầu thực tiễn, vừa là mong muốn của lãnh đạo TP.HCM nhưng cũng là nguyện vọng của cộng đồng DN, nhất là các DN có nhiều sản phẩm, chi tiết đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao”, ông Hoan đúc kết.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM sẽ thực hiện cùng lúc 2 công việc: chuyển đổi toàn diện các KCN hiện hữu để nâng cao chất lượng và xây dựng KCN ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng phát triển trong tương lai. TP.HCM xác định nguồn lực đầu tư phát triển KCN hỗ trợ sẽ là tư nhân, còn Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách và quản lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, lao động, công nghệ, môi trường…

Định hướng quy hoạch kcn hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng BQL các KCX và công nghiệp TP.HCM cho biết, đơn vị này định hướng quy hoạch KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh) với diện tích 668 ha và khu dân cư, đô thị dịch vụ liền kề rộng khoảng 100 ha. Hiện nay, toàn bộ diện tích này không có đất ở, chủ yếu là đất nông nghiệp, bạc màu trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, còn lại bỏ hoang. Vị trí được lựa chọn quy hoạch rất thuận lợi cho việc hình thành Vùng công nghiệp trọng điểm khu vực phía tây, liên kết các KCN lân cận, hỗ trợ thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lao động…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.