Thời cơ lịch sử đang mở ra cho công cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
(thực hiện)
13/10/2024 07:00 GMT+7

Từng giữ vai trò Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; tham gia kiến tạo nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến kinh tế đất nước; đã chứng kiến sự vận động của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt qua nhiều giai đoạn…

PGS-TS Trần Đình Thiên đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề còn tồn tại cũng như cơ hội của Việt Nam trước "kỷ nguyên mới" nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.

Thời cơ lịch sử đang mở ra cho công cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam- Ảnh 1.

TS Trần Đình Thiên

ảnh: ĐỘC LẬP

Năm nay tròn 20 năm Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam (2004 - 2024). Nếu tính từ khi luật Doanh nghiệp và luật Công ty ra đời những năm 1990, cởi trói cho doanh nghiệp (DN) tư nhân đã 34 năm, còn tính từ Đổi mới 1986 cũng gần 40 năm..., ông đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nhân trong phát triển kinh tế đất nước trong suốt chặng đường đã qua?

Tròn 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ vì tính chính thức của việc thừa nhận một lực lượng phát triển, giống ngày thành lập của các lực lượng xã hội khác của Việt Nam, mà đặc biệt vì doanh nhân chính là lực lượng quyết định phát triển đất nước khi kinh tế thị trường được chọn. Nhưng sau gần 40 năm, phải nói thẳng là lực lượng đó vẫn chưa thực sự trưởng thành, vẫn "khó lớn, chậm lớn", thậm chí "không muốn lớn" và đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đây lại là thời điểm "bước ngoặt" kinh tế đang được trông đợi.

Chính cái tương quan nghịch lý đó - giữa một bên là sứ mệnh lịch sử được trao và một bên là một quá trình phát triển nhiều thăng trầm của lực lượng doanh nhân Việt - đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm lại "lịch sử thăng trầm" đó. Cần lưu ý là Đảng cũng đang chỉ đạo tổng kết lại 40 năm Đổi mới theo tinh thần đó.

Ông có thể "kiểm điểm lịch sử thăng trầm" ấy qua mỗi thời kỳ, mỗi cột mốc tính từ đầu Đổi mới đến nay?

Thứ nhất, với việc tuyên bố chấp nhận "nền kinh tế nhiều thành phần", cũng là lựa chọn kinh tế thị trường, tại Đại hội Đảng năm 1986, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã tức thì trỗi dậy, chứng tỏ năng lực phi thường, giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng một cách thần kỳ. Cũng trong bước chuyển đó, chính sách "mở cửa" đã giúp kinh tế Việt Nam "vươn mình đứng dậy", xác lập tư thế mới.

Đó là biến cố "xoay chuyển lịch sử", khẳng định vai trò, sứ mệnh của lực lượng DN, doanh nhân Việt Nam, khẳng định triển vọng tiến cùng thế giới, theo xu thế thời đại của Việt Nam.

Không nghi ngờ gì rằng chính lực lượng doanh nhân, DN Việt trẻ trung, sinh ra và lớn lên cùng Đổi mới đã tạo sinh khí phát triển mới cho đất nước, đã mang lại cho nền kinh tế một tư thế mới, đĩnh đạc và tự tin, trong hệ thống kinh tế thế giới mà nó vừa nhập cuộc đua tranh và liên kết phát triển.

Chính nhờ đó mà gần 20 năm sau, năm 2004, lực lượng này được Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức trao "giấy khai sinh". Hơi muộn, nhưng thực sự là một sự kiện lịch sử, có giá trị đánh dấu bước ngoặt.

Tiếc rằng nhiều năm tiếp theo, kinh tế tư nhân, tuy được coi là "một thành phần kinh tế bình thường trong nền kinh tế thị trường", song về thực chất vẫn ở thế bị phân biệt đối xử. Lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế vẫn là DN nhà nước. Môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, cơ chế "xin - cho" vẫn chi phối hệ thống phân bổ nguồn lực quốc gia.

Mãi đến năm 2016 - 2017, tức là 30 năm sau, khi nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn, kinh tế tư nhân Việt Nam đã được nhìn nhận lại. Nghị quyết Đảng chính thức thừa nhận "kinh tế tư nhân là một động lực phát triển", sau đó nâng lên thành "động lực phát triển quan trọng" của nền kinh tế.

Với sự thừa nhận này, Đảng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng, sự đóng góp to lớn của lực lượng doanh nhân Việt trong công cuộc phát triển đất nước.

Trên thực tế, sự thừa nhận đó đã mở đường cho Chính phủ nỗ lực tháo gỡ, giải tỏa các điểm nghẽn thể chế, cản trở sự phát triển của "động lực quan trọng" này. Chỉ tiếc là trong những năm gần đây, do những yếu tố khách quan, nỗ lực đó chưa thể phát huy đầy đủ tác dụng. Dịch bệnh Covid-19, tình trạng đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu, xung đột trên thế giới cùng với một số điểm yếu thể chế chưa được khắc phục đã làm cho lực lượng DN, doanh nhân Việt Nam bị suy yếu đáng kể, chậm phục hồi và trỗi dậy.

Thật sự là thăng trầm. Nhưng rất may là xu hướng không thể đảo ngược. Hiện nay, dường như một giai đoạn - bước ngoặt mới lại đang được mở ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện có hơn 944.000 DN tư nhân, có những tập đoàn tỉ USD, những tỉ phú được thế giới ngưỡng mộ... Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là khu vực tư nhân vẫn đang lép vế với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), biểu hiện rõ nhất ở tỷ lệ đóng góp trong GDP. Nếu khu vực DN FDI đóng góp tới 22 - 25% GDP thì khu vực DN tư nhân trong nước chỉ đóng góp khoảng 10% GDP. Tôi nhớ ông từng gọi hiện tượng này là "một tương quan khá dị thường"…?

Nói một cách công bằng thì thành tích phát triển DN tư nhân về mặt số lượng của Việt Nam cũng khiêm tốn. Tuy số lượng DN thành lập mới có tăng lên qua từng năm, song tốc độ trồi sụt, không đúng tầm của nền kinh tế quy mô 100 triệu dân đang chuyển đổi được coi là thành công sang kinh tế thị trường. Trầy trật mấy chục năm, mấy lần sửa luật để thúc đẩy, chúng ta vẫn chưa vượt qua mốc 1 triệu DN tư nhân. Tỷ lệ DN trên số dân khoảng 1/1.200 là rất thấp, thấp hơn nhiều so với những nền kinh tế mà chúng ta đang đua tranh và đặt mục tiêu tiến kịp.

Thành tích số lượng là vậy, các thành tích chất lượng còn kém nổi bật hơn, thậm chí là đáng lo ngại. Điều này thể hiện trong nhiều chỉ tiêu chất lượng: công nghệ, lao động, quản trị, sức cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu...

Về tổng thể, điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam bộc lộ chính ở tương quan cơ cấu của các lực lượng chủ thể như cô vừa nêu: Trong khi khu vực DN FDI sản xuất gần 1/4 GDP thì khu vực DN tư nhân Việt Nam chỉ sản xuất ra khoảng 10%; đồng thời hai khu vực sản xuất nhiều GDP nhất lại là khu vực yếu nhất - khu vực hộ gia đình (hơn 30%) và khu vực hoạt động kém hiệu quả - khu vực DN nhà nước (khoảng 27-28%).

Đó chính là cái gọi là "tương quan khá dị thường". Bởi trong mọi nền kinh tế thị trường bình thường, thông thường khu vực DN bản địa sản xuất ra khoảng 60 - 80% GDP; khu vực FDI thường chỉ 5 - 7%, cao lắm cũng chỉ 10%. Còn ở Việt Nam tồn tại một tương quan nghịch: lực lượng chủ lực của nền kinh tế thị trường chỉ sản xuất lượng GDP chưa bằng một nửa khu vực DN nước ngoài. Rõ ràng đó là một tương quan khác thường, hiếm thấy và thực sự đáng lo ngại.

Đó là chưa nói đến chất lượng GDP mỗi bên sản xuất ra, chưa nói đến vị thế và năng lực cạnh tranh của mỗi bên. Và sau đó là triển vọng của nền kinh tế xét trên quan điểm "tự lực, tự cường" hay "độc lập, tự chủ" trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.

Ông lý giải thế nào về sự "dị thường" này?

Đã có nhiều sự giải thích khoa học về thực trạng dị thường nói trên, cung cấp nhiều luận cứ có sức thuyết phục mạnh.

Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh nguyên nhân gắn với sự tồn tại của cái gọi là "nền kinh tế nhị nguyên", một thuật ngữ mô tả một nền kinh tế bị phân đôi thành hai khu vực, "bản địa" và FDI (nước ngoài), hầu như tách rời nhau, khác biệt nhiều về thể chế vận hành, mang tính phân biệt đối xử, với xu thế lấn át nghiêng về khu vực ngoại.

Cấu trúc này gây ra nhiều hệ lụy phát triển, trong đó đáng lo ngại nhất là xu hướng khu vực nội bị suy yếu, như đang bộc lộ rất rõ trong nền kinh tế nước ta hàng chục năm qua.

Thực tế cho thấy Việt Nam ký càng nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA), hội nhập quốc tế càng mạnh, cơ hội phát triển mang về càng nhiều thì đầu tư nước ngoài càng tăng tiến, trong khi thực lực và vị thế của khu vực DN nội bị suy giảm mạnh.

Thực trạng này đang bộc lộ rõ, nó đòi hỏi phải được phân tích thấu đáo và thực chất. Tôi cho rằng việc hội nhập cần được bổ sung bằng sự tăng cường nội lực đúng nghĩa, mà trong đó lực lượng DN tư nhân Việt phải đóng vai trò nền tảng, động lực quan trọng nhất.

Lịch sử kinh tế Việt Nam đã chứng minh, trong khó khăn gian khổ thì người Việt nói chung và cộng đồng DN Việt nói riêng luôn trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Thời kỳ Đổi mới và gần nhất là năm 2022, hai năm sau dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế, khu vực DN Việt cũng bị suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững, vẫn là "ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm", ông có nhớ bối cảnh đó và theo ông, đâu là nguyên nhân giúp chúng ta luôn bật dậy đúng lúc?

Đúng thế. Khi đó Chính phủ vẫn duy trì được mạch thông với kinh tế toàn cầu, giữ được nhịp tăng trưởng khá tích cực và mức lạm phát thấp. Nền kinh tế cơ bản ổn định trong hệ thống kinh tế toàn cầu bất ổn, suy giảm mạnh tăng trưởng và lạm phát tăng cao.

Nhưng kinh tế cũng rơi vào tình trạng nghịch lý: các chỉ số chung đều tốt, chỉ có điều khu vực kinh tế bản địa rơi vào thế khó khăn hiếm thấy: hầu như tất cả các DN Việt đều kiệt sức, do bị "khô máu" và "khát vốn".

Thời cơ lịch sử đang mở ra cho công cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam- Ảnh 2.

Để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, tiến ra toàn cầu, cần nỗ lực tháo gỡ, giải tỏa các điểm nghẽn thể chế

Ảnh: MAI VỌNG

Lúc đó nổi lên một vấn đề tranh cãi, cần phải bơm mạnh vốn ra nền kinh tế để "cứu DN Việt" hay hạn chế cung ứng tín dụng để giữ mức lạm phát thấp, không tiếp sức cho xu thế lạm phát thế giới đang tăng mạnh. Trong tương quan đó, Việt Nam đặt lại vấn đề: Giữ lạm phát thấp ổn định hay nhiệm vụ đưa khu vực kinh tế bản địa, các DN thoát nhanh ra khỏi tình trạng sinh tử mà nó đang lâm vào.

Tôi nhớ đã nổ ra một cuộc tranh luận chính sách khá quyết liệt với thế áp đảo ban đầu nghiêng về phía hạn chế bơm tiền ra nền kinh tế, giữ ổn định lạm phát thấp. Tuy nhiên, sau mấy tháng, tình trạng khó khăn cực độ của khu vực DN Việt đã đánh bạt nỗi sợ lạm phát tăng. Trên thực tế, chỉ số CPI của Việt Nam lúc đó được giữ vững ở mức khá thấp (dưới 4%), xu hướng lạm phát không bộc lộ thành nguy cơ đe dọa.

Tại Diễn đàn Kinh tế cuối năm, Thủ tướng tuyên bố: Không sợ lạm phát, cần mạnh dạn bơm tiền để cứu DN Việt. Phát biểu của Thủ tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và tác động tích cực đến niềm tin của cộng đồng DN. Nó thể hiện sự quan tâm thực chất đến DN Việt, đồng thời thể hiện một cách sinh động lập trường "nội lực là quyết định" của Đảng trong phát triển đất nước.

Vậy chúng ta phải làm gì để khơi dậy tinh thần khát khao cống hiến ở khu vực tư, khát khao làm việc ở khu vực công…, ở giai đoạn mà ông vừa nói, "bước ngoặt kinh tế được trông đợi" này?

Tất nhiên, có nhiều việc phải làm và toàn những việc khó khăn, phức tạp, đến mức tưởng như là bất khả thi.

Nhưng tôi cho rằng một giai đoạn có tính thời cơ lịch sử đang mở ra cho công cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam. Có thể và cần can đảm tiến hành cải cách với tinh thần như vậy. Cơ hội này là sự tích hợp hàng loạt thời cơ - xu thế lịch sử - thời đại, trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam lại đang có nhu cầu cho một sự lột xác, hóa thân mới.

Cộng hưởng cả hai tuyến cơ hội và nhu cầu này, sẽ nhận ra thực chất của khái niệm "kỷ nguyên mới" mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập trong bài viết ngày 2.9 vừa rồi.

Với tầm nhìn đó, cách tiếp cận hành động của Việt Nam trong giai đoạn mới chắc chắn sẽ không dừng lại ở nỗ lực "cải tiến", "chỉnh sửa", "bổ sung" hay "điều chỉnh" hệ thống thể chế, cơ chế hiện hành. Nỗ lực đó sẽ không thể đủ để xác lập "Thời đại mới - Kỷ nguyên mới" một cách thực chất. Nó đòi hỏi và thúc đẩy những thay đổi căn bản trong tư duy và cách hành động.

Khu vực DN tư nhân Việt Nam cũng đang cần một sự lột xác kiểu như vậy. Nếu không, cái gọi là thời đại số, chuyển đổi số hay phát triển xanh sẽ chỉ là những hư từ gây ảo tưởng.

Một sự đồng thuận trong tầm nhìn và cách tiếp cận hành động giữa nhà nước và xã hội, cùng với lực lượng DN Việt Nam sẽ là nền tảng cơ bản của thành công trong giai đoạn mới.

Và trong "Kỷ nguyên mới" đó, không thể thiếu tinh thần, ý chí, khát vọng của doanh nhân Việt chứ, thưa ông?

Tôi không nghi ngờ gì tinh thần, ý chí và khát vọng của doanh nhân Việt. Tôi khâm phục trí thông minh, độ nhạy bén và tính linh hoạt sáng tạo của họ. Và đó chính là một nửa bảo đảm thành công.

Một nửa còn lại chính là hệ thống thể chế tương thích với kỷ nguyên phát triển mới.

Người ta nói không sai: thể chế nào, doanh nhân nấy. Chúng ta không thể duy trì hệ thống cơ chế, chính sách cũ để giải quyết các vấn đề của tương lai, nhất là khi tương lai đó lại được định nghĩa bằng khái niệm "kỷ nguyên phát triển mới".

Tôi tin vào triển vọng đó.

Có một thực tế là ở Việt Nam vẫn còn không ít cái nhìn thiếu thiện cảm với người giàu nói chung và doanh nhân nói riêng, theo ông vì sao?

Như mọi dân tộc khác, người Việt cũng thích giàu. Ai cũng thích mình giàu, thích đất nước mình giàu có, thịnh vượng. Mục đích cao cả của Đảng cũng là "dân giàu".

Nhưng có một điểm khác: một cách phổ biến, dường như người Việt chỉ thích chính mình giàu, còn người khác giàu thì tuyệt đối không thích, thậm chí còn căm ghét. Cái tâm lý đó được tăng cường, củng cố bởi cái quan niệm cho rằng giàu có là nhờ bóc lột, người giàu thuộc tầng lớp "bóc lột", đối kháng với dân nghèo.

Từ đó, nảy sinh và nuôi dưỡng cái tâm lý, biến thành ý thức xã hội: luôn đố kỵ với người giàu, không thích người khác giàu hơn mình, thiếu thiện cảm, thậm chí sợ hãi và thù ghét người giàu.

Nhận định như vậy không có gì mâu thuẫn với việc khẳng định rằng chất nhân văn cao cả của người Việt rất đậm nét trong cách hành xử "bầu ơi thương lấy bí cùng", sẵn sàng đùm bọc, chia sẻ lúc hoạn nạn, khó khăn.

Tâm lý này gần đây đã được cải thiện khá nhiều, ông thấy như vậy?

Cùng với bước chuyển sang kinh tế thị trường, tâm lý đó bắt đầu thay đổi. Động cơ làm giàu dần được coi là chính đáng. Sự giàu có bắt đầu được tôn trọng, thậm chí được vinh danh. Đó là sự thay đổi tận gốc rễ, rất căn bản, nhưng hãy còn chưa đủ mạnh. Do đó, nó cần được cổ động, thúc đẩy mạnh hơn nữa.

Mặt khác, cũng cần mổ xẻ tại sao sự thay đổi đó ở nước ta dường như đang diễn ra quá chậm, không tương thích với đòi hỏi của quá trình thay đổi. Cần làm rõ thực chất và căn cốt quá trình xóa đói giảm nghèo diễn ra rất thành công ở Việt Nam trong mấy chục năm qua trong khi bước chuyển sang giai đoạn "làm giàu" lại khó khăn và nhiều rủi ro đến vậy.

Giải quyết vấn đề này một cách bài bản, sâu vào trong cơ chế, hệ thống sẽ giúp nền kinh tế phát triển hiệu quả, ít rủi ro và bền vững hơn, xã hội cũng trở nên lành mạnh hơn. Việc xây dựng một hệ thống khuyến khích làm giàu chính đáng đúng sẽ giúp người Việt tự tin làm giàu. Khi đó, nền kinh tế và xã hội sẽ có động lực cực kỳ mạnh mẽ trong cuộc đua "sánh vai" với thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.