Thời của "ngôi sao", "công chúa" và "hoàng tử"

15/10/2006 22:44 GMT+7

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, "ngôi sao" là: "Người đạt thành tích nổi bật trong biểu diễn nghệ thuật hoặc hoạt động thể thao, được khán giả hâm mộ ví như ngôi sao sáng trên bầu trời" (trang 668). Nếu căn cứ theo định nghĩa này cùng với việc theo dõi các cuộc thi - trò chơi ca nhạc trên truyền hình, người ta dễ tin rằng VN hiện đang có nền ca nhạc phát triển nhất nhì thế giới.

Xem truyền hình thấy toàn "sao"

Về tên gọi các cuộc thi, Đài truyền hình TP.HCM có Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2006, Ngôi sao vọng cổ truyền hình, Hát với ngôi sao, còn  Đài truyền hình VN là Sao Mai, Sao Mai -Điểm hẹn. Gọi thế, nhưng thực chất của mỗi cuộc thi - trò chơi còn nhiều vấn đề đáng bàn. Chẳng hạn trò chơi Hát với ngôi sao, có những "ngôi sao" mà không ít khán giả chẳng biết họ thành "sao" lúc nào và ai đã "thăng hạng" cho họ thành "sao", khi giọng hát của một số người chỉ ở dạng hay trong... phòng karaoke? Hay cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình nhằm mục đích tìm kiếm những tài năng ca hát mới xuất hiện mà cũng được đặt tên là "ngôi sao" thì quả là hơi quá.


Các pa-nô quảng bá đêm diễn với đủ "sao" trong mọi lĩnh vực
(ảnh: Đ.N.Thạch)

Thành viên zman trên một diễn đàn bức xúc: "Nếu theo đà này, không được gọi là sao thì không phải là ca sĩ, không là sao thì không thể hát hay, không được người nghe chú ý đến. Các ca sĩ thế hệ trước có phải là sao không nhỉ? Sao không ai gọi họ là sao cả. Nhưng họ vẫn hát hay (...). Còn tên gọi "Ngôi sao vọng cổ" nghe trái khoáy làm sao. Từ đó đến giờ chỉ nghe tài tử cải lương thấy cũng ổn rồi mà. Sau này liệu có... diva cải lương không nhỉ?".

Không chỉ có các cuộc thi - trò chơi mà từ lời dẫn của nhiều MC ca nhạc hiện nay, không ít lần khán giả bị ngộ nhận bởi "kính thưa các loại sao" rôm rả. Người dẫn chương trình cứ "sau đây là ngôi sao ca nhạc" A, B, C gì đó mà giới thiệu tới. Ai có dịp về các tỉnh hoặc vùng ven TP.HCM sẽ chứng kiến hàng loạt băng-rôn mời gọi, nào là "Ngôi sao ca nhạc", "Ngôi sao nhạc trẻ", "Ngôi sao làn sóng xanh"... loạn xạ. Nhìn kỹ thì có khi tên của các "sao" đó cũng chẳng phải là những người từng đoạt các giải thưởng hay gương mặt nổi tiếng nào. Cá biệt có những "ngôi sao ca nhạc" mà chẳng ai biết là ai!

Vào làng nhạc toàn "công chúa", "hoàng tử"

Không chỉ loạn "sao", làng nhạc Việt bây giờ cũng đầy những hoàng tử, nữ hoàng và công chúa hát. Nào Hoàng tử đại dương (tên album của Lưu Việt Hùng và Đoan Trường), Hoàng tử sơn ca (biệt danh của ca sĩ Quang Vinh), Hoàng tử V-pop (danh hiệu bất ngờ dành cho ca sĩ Hoàng Hải khi anh đang tham gia Sao Mai - Điểm hẹn, dù trước đó thậm chí cái tên Hoàng Hải vẫn còn lạ tai đối với không ít khán giả)... Fan cuồng nhiệt rồi tự ngợi ca, tung hô và ưu ái cho thần tượng mình những mỹ từ thời cổ tích đã đành; nhiều người viết đôi khi cũng quá trớn trong cảm xúc rồi "sa bút" tặng cho giọng hát nào đó một từ kiêu hãnh, để rồi khán giả hâm mộ được nước "báo chí đã tặng, ngại gì chẳng xưng".

Cứ vậy, vô tình nhiều bài viết đã "mở đường" cho những thần dân ngưỡng mộ mặc nhiên gọi theo đến mức lạm dụng. Đúng là khó công nhận biệt hiệu "hoàng tử của nhạc pop Việt Nam" đối với một ca sĩ chỉ vừa được biết đến trong cuộc thi. Hay ngay cả cuộc bình chọn Diva thế hệ mới do một tạp chí tổ chức cũng bị phản đối dữ dội vì cách dùng từ, để rồi những cái tên trong danh sách đề cử rút dần vì "cảm thấy chưa xứng đáng!".

Thử nhìn lại đời sống âm nhạc trong nước xem, nhiều "ngôi sao", "hoàng tử", "công chúa" là vậy nhưng đã có ai biểu diễn ở nước ngoài hoành tráng như Bi-Rain đến VN, hay ngay cả sân chơi MTV châu Á thì các ca sĩ Việt cũng chỉ "chạm ngõ" được 1-2 nhóm.

V.N - N.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.