Thói quen kỳ cục

05/08/2015 05:55 GMT+7

Điều bất ngờ là chỉ có hai cô gái trẻ măng chưa đầy 18 tuổi, được mệnh danh là "hot girl" ngàn người theo dõi trên mạng xã hội đã hẹn giải quyết ân oán tại phố đi bộ (TP.HCM) nhưng có cả ngàn người đến xem, ủng hộ và cổ vũ!

Điều bất ngờ là chỉ có hai cô gái trẻ măng chưa đầy 18 tuổi, được mệnh danh là "hot girl" ngàn người theo dõi trên mạng xã hội đã hẹn giải quyết ân oán tại phố đi bộ (TP.HCM) nhưng có cả ngàn người đến xem, ủng hộ và cổ vũ!

Đấy là một "thói quen kỳ cục" của nhiều cư dân mạng nói riêng và một số người dân nói chung khi văn hóa hùa theo là một nét tính cách chưa đẹp vẫn còn tồn tại.
Với nhiều người, coi vụ đánh nhau như một trò giải trí, vụ tai nạn, là một dịp thỏa mãn hiếu kỳ, thay vì can ngăn hay giúp đỡ thì phần đông tập trung đứng xem, thậm chí hò hét cổ vũ. Rất nhiều người theo dõi vụ mâu thuẫn từ trên mạng xã hội, biết sẽ có đánh nhau nên đã hẹn đi xem, đi ủng hộ, cổ vũ cho vui. Hầu như không ai báo cho phụ huynh hay người can ngăn khuyên bảo.
Có người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để tụ tập chờ đánh nhau như thế, nhưng thật lạ, đôi khi lại không sẵn sàng bỏ ra 30 giây để chờ đèn đỏ ở ngã tư. Đó là những "thói quen xấu xí".
Có nhiều người bảo rằng đó là lỗi của mạng xã hội trên internet. Thực ra mạng xã hội không có lỗi, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu kiềm chế của một số bạn trẻ và lây lan cho những bạn khác đã follow (theo dõi) trên Facebook cá nhân, cộng hưởng với sự tò mò và tính bốc đồng của tuổi trẻ dẫn đến việc "xem hôi" như một trào lưu. Vụ việc này cùng với hàng trăm vụ mâu thuẫn trên mạng - giải quyết ngoài đời tương tự trước đây - cho thấy một lỗ hổng lớn trong văn hóa giao tiếp của một bộ phận người trẻ khi không được ai trang bị kỹ năng tháo gỡ mâu thuẫn và ứng xử trên internet.
Đối với những nhân vật chính, tức hai người trong cuộc, hãy thử nghĩ xem: hai cô gái khẩu chiến trên mạng, hẹn đánh nhau ngoài đường... liệu có được mọi người tôn vinh và ngưỡng mộ? Mỗi lời nhả ra như: "mày", "tao", "chó điên"... được phát ngôn giống như ném những nắm bùn vào mặt người đối diện. Qua sự việc này, hình ảnh của hai cô gái được mệnh danh là "hot girl" đã bị điểm trừ to tướng.
Không chỉ vậy, việc hẹn đánh nhau với đám đông như thế vô cùng nguy hiểm vì trạng thái dễ bị kích động của tâm lý đám đông. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp kịp thời, có thể đám đông đã quá khích, nổi giận, mất kiểm soát. Lúc đó, liệu tính mạng của hai cô gái này sẽ thế nào? Tính mạng của chính những người trong đám đông ấy sẽ ra sao?
Nếu thấy nhà người khác có nguy cơ bị cháy, thay vì cắt cầu dao hay tìm nước để chữa, một người lại đổ thêm dầu vào để nhà cháy càng nhanh, nghĩa là họ đã góp phần phá hoại tài sản đó. Việc cổ vũ người khác đánh nhau cũng vậy, chỉ vì nhu cầu "giải trí", "có phim để coi" dăm mười phút mà ta đã đốt cháy mối quan hệ của những người trong cuộc, đốt cháy danh dự thậm chí là sức khỏe và tính mạng của họ. Đó là chưa kể đến việc ta có thể còn bị cháy lây khi sự kích động đã lây lan, khi ấy việc dẫn đến án mạng là điều không phải không thể xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.