100% ủy viên trung ương trúng cử Đại biểu Quốc hội

09/06/2016 17:15 GMT+7

Chiều 9.6, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá 14.

Tại cuộc họp báo ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã công bố Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia về kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá 14.
Thông tin được công bố tại họp báo cho biết trên tổng số 870 người ứng cử đã có 496 người được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá 14, thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu tối đa được bầu.
Việc bầu hộ, bầu thay không gây ảnh hưởng nghiêm trọng
Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn diễn ra vừa qua, có ảnh hưởng kết quả bầu cử hay không, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết có nhận được thông tin và đơn thư về tình trạng này.
Ông Hiển cho biết qua kiểm tra cho thấy có tình trạng có một số gia đình có người đi làm ăn xa nên đã có người nhà bầu hộ bầu thay. Theo ông Hiển đây là sai phạm do không hiểu biết nhưng cũng không gây ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử và vấn đề này đã được và các địa phương chấn chỉnh. Tuy nhiên cũng có nơi tình trạng bầu hộ, bầu thay có sai phạm nghiêm trọng nên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã quyết định huỷ bỏ kết quả ở 1 khu vực và yêu cầu bầu lại.
Trả lời đề nghị bình luận về việc có tới trên 100 ủy viên T.Ư trúng cử Đại biểu Quốc hội đồng thời tỉ lệ người trúng cử là đảng viên tới trên 95%, ông Hiển cho rằng tất cả những cơ cấu, thành phần khi chuẩn bị cho bầu cử đã được dự kiến và các Ủy viên T.Ư trúng cử phần lớn công tác ở các cơ quan quan trọng thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết việc các Ủy viên T.Ư trúng cử Đại biểu Quốc hội cũng nằm trong dự kiến cơ cấu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, hiệp thương. Việc Quốc hội có số lượng ủy viên T.Ư và số lượng đảng viên cao theo ông Hiển là góp phần cho công tác lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Trả lời về việc 15 ứng viên do TƯ giới thiệu về ứng cử ở các địa phương nhưng không trúng cử ảnh hưởng như thế nào đến việc sắp xếp bộ máy sắp tới, ông Trần Văn Tuý, cho biết việc bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ nên việc ứng viên nào trúng cũng là bình thường “không có gì phải băn khoăn”.
15 ứng viên do T.Ư giới thiệu không trúng cử không gây ảnh hưởng lớn
Ông Túy thừa nhận việc sắp xếp bộ máy sắp tới sẽ có ảnh hưởng nhất định. Theo ông Tuý, trong số những ứng viên do T.Ư giới thiệu nhưng không trúng cử có 6 người do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu có tính đại diện và 9 người dự kiến là đại biểu chuyên trách.
Tuy nhiên, ông Túy cũng cho biết qua rà soát, tính toán thì ảnh hưởng không nhiều. Trong quá trình hoạt động sẽ có cơ hội lựa chọn ra các đại biểu có khả năng để bổ sung vào các cơ quan (trở thành đại biểu chuyên trách - PV) để Quốc hội ngày càng mạnh lên, ông Túy nhấn mạnh.
Trả lời đề nghị đánh giá về việc trong số các Đại biểu Quốc hội trúng cử vừa qua, tỷ lệ các đại biểu là người ngoài Đảng giảm 50% so với khoá 13 ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng khi ứng cử có tới 97 ứng viên là người ngoài Đảng, chiếm khoảng 11% tổng số ứng viên. Kết quả bầu cử có 21 ứng viên là người ngoài Đảng trúng cử (chiếm 4,2%) là hoàn toàn do lựa chọn của cử tri.
Đánh giá về việc tỉ lệ các Đại biểu Quốc hội tái cử lần này chỉ khoảng 30% có ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội hay không, ông Phùng Quốc Hiển cho biết tỉ lệ này cũng tương tự như các khoá trước. Theo ông Hiển, kết quả thực tế các kỳ họp Quốc hội cho thấy các đại biểu tái cử là nòng cốt tích cực đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội. Theo ông Hiển, mặc dù có tới 2/3 các đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội nhưng đây hầu hết là các đại biểu đảm bảo tiêu chuẩn, nhiều kinh nghiệm nên cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Quốc hội đồng thời đảm bảo cho Quốc hội luôn có sự đổi mới, tươi trẻ.
Trả lời câu hỏi về việc vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện các lời kêu gọi không đi bỏ phiếu, hoặc phong trào “1 lá phiếu 1 cái tên” có làm ảnh hưởng gì đến việc bầu cử hay không, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp. Theo ông Hiển con số 99,35 % số cử tri đi bầu cử đã chứng minh “những ý kiến hoặc vấn đề nêu lên của các nhóm đó không có tác dụng”. Ông Hiển khẳng định nhân dân và cử tri đi bầu với tỷ lệ cao đã khẳng định tinh thần, quyền và trách nhiệm của mình. “Các luận điệu xuyên tạc không ảnh hưởng gì, cuộc bầu cử thành công tốt đẹp”, ông Hiển nói

Tỷ lệ số phiếu trúng cử của các Ủy viên Bộ Chính trị (sắp xếp theo thứ tự địa phương)
01. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Hà Nội) 86,47% số phiếu hợp lệ
02. Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải (Hà Nội) 87,16%
03. Chủ tịch nước Trần Đại Quang (TP.HCM) 75,08%
04. Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng (TP.HCM) 85, 02%
05. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Hải Phòng) 99, 48%
06. Thường trực Ban Bí thư TƯ Đinh Thế Huynh (Đà Nẵng) 85, 71%
07. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (TP.Cần Thơ) 91,46%
08. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Bắc Ninh) 95,16%
09. Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng (Đồng Nai) 68, 41%
10. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (Hà Nam) 95, 87%
11. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Hà Tĩnh) 95,32%
12. Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai (Lâm Đồng) 79,93%
13. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (Long An) 81,19%
14. Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) 91,06%
15. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình (Quảng Bình) 88,68%
16. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (Sơn La) 92, 31%
17. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (Thái Nguyên) 83, 44%
18. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh) 84,87%
19. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng (Yên Bái) 94,18%



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.