4 bộ ngành quản lý, nước sinh hoạt vẫn bẩn

27/03/2015 09:00 GMT+7

Hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về tăng cường phối hợp liên ngành và quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

Hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về tăng cường phối hợp liên ngành và quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

4 bộ ngành quản lý, nước sinh hoạt vẫn bẩn Nhiều mẫu nước sinh hoạt nhiễm asen, nhiễm vi sinh tiềm ẩn nguy cơ
gây dịch, bệnh nguy hiểm - Ảnh: Ngọc Thắng
Hiện nay, việc quản lý và cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt có sự tham gia của 4 bộ ngành gồm: Y tế, Xây dựng, NN-PTNT, chính quyền địa phương và cơ quan cấp nước. Tuy nhiên, báo cáo với Phó thủ tướng, đại diện Bộ Y tế thừa nhận trong năm 2014 có 21% cơ sở cấp nước quy mô lớn (công suất từ 1.000 m3/ngày đêm) được kiểm tra không đảm bảo vệ sinh chung; 4,8% không đạt về vi sinh; tại trạm cấp nước quy mô dưới 1.000 m3/ngày đêm, có 11,7% không đạt chỉ tiêu về vi sinh; 27,4% không đạt vệ sinh chung. Kiểm tra đột xuất tại 10 tỉnh, thành phố phát hiện mẫu nước tại Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Thanh Hóa có nhiễm coliform.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tại VN trong 4 năm qua, có khoảng 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, tốn kém cho chi phí y tế khoảng 20 triệu USD.
Tại Hà Nội, trong năm 2014, Bộ Y tế đã kiểm tra và lấy 196 mẫu nước tại 19 nhà máy nước, 7 trạm cấp nước tập trung và 166 mẫu tại hộ gia đình, khu dân cư để xét nghiệm. Tại TP.HCM, đã có 46 mẫu nước được lấy xét nghiệm. Trong đó, một số mẫu nước lấy tại các cơ sở cung cấp nước quy mô nhỏ, hộ gia đình tại hai thành phố lớn này có nhiễm các chỉ số vi sinh như coliform, E.coli, asen, độ đục. Riêng tại các trạm cấp nước: Mỹ Đình II, khu đô thị Nam Đô (Hà Nội) có một số chỉ tiêu chưa đạt như: hàm lượng clo dư, độ đục, asen, coliform, E.coli. Về cơ bản, các cơ sở đã khắc phục, tuy nhiên vẫn cần duy trì giám sát chặt chẽ về chất lượng.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ 6 giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng nước, nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng nước. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “trả lại hết” những đề xuất này với lý do các văn bản quy định của Chính phủ về quản lý, giám sát đã có cả, vấn đề là sự phối hợp thực hiện. “Bộ Y tế là đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng nước sinh hoạt. Phải yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch công khai chất lượng nước. Nếu không đạt chuẩn thì xử lý nghiêm, thậm chí tạm ngưng hoạt động thì họ sẽ phải khắc phục”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Bỏ không phòng thí nghiệm
Theo Bộ NN-PTNT, 32/63 tỉnh, thành hiện chưa có phòng xét nghiệm chất lượng nước, 31 tỉnh, thành có phòng xét nghiệm chất lượng nhưng thiết bị, nhân lực, kinh phí chưa đầy đủ, đồng bộ. Trong số 16.000 công trình nước sạch, 30% hoạt động tốt, 50% hoạt động trung bình và 20% hoạt động kém do quy hoạch không tốt, công trình xây xong nguồn nước đảm bảo do không có nước hoặc bị ảnh hưởng do các công trình thủy lợi đầu nguồn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại ý kiến đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết có một số nhà máy nước do World Bank tài trợ, có đầy đủ phòng thí nghiệm, nhưng khi đại diện World Bank đến thì không thấy ai làm việc. Phó thủ tướng cho biết sẽ làm rõ các đơn vị cố lo thủ tục để xin vay hàng tỉ đô la làm nước sạch nhưng xây xong lại không hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.