84 triệu USD tẩy rửa dioxin sân bay Đà Nẵng

25/04/2013 03:40 GMT+7

Ngày 24.4, Cơ quan viện trợ phát triển của Mỹ (USAID) và Bộ Quốc phòng VN đã tổ chức báo cáo tình hình, tiến độ dự án “Xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng”.

Đây là dự án tẩy rửa dioxin duy nhất tại VN hiện nay, được bắt đầu khởi động từ tháng 6.2011 và sẽ kết thúc vào năm 2016. Theo đó, dự án sẽ tiến hành xử lý khoảng 73.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin ở phía đông bắc sân bay Đà Nẵng xuống mức tiêu chuẩn quốc gia về ngưỡng dioxin của VN.

84 triệu USD tẩy rửa dioxin sân bay Đà Nẵng
Mố xử lý dioxin theo công nghệ hấp thu nhiệt đang được thi công - Ảnh: V.P.T

Dự án áp dụng công nghệ xử lý hấp thu nhiệt, phương pháp được đánh giá là hiệu quả nhất, áp dụng quy trình dẫn nhiệt và hút chân không để xử lý đất và bùn nhiễm dioxin. Theo đó, đất và bùn đào lên được đưa vào mố hoàn toàn kín (là bể chứa đất và trầm tích kích thước 70 m x 105m x 8m  được xây dựng từ 28.000 khối bê tông) và sẽ được làm nóng tới 335 độ C thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt trong thời gian từ 3-5 tháng. Ở nhiệt độ này, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy, làm cho hợp chất dioxin bị phân hủy thành nước, CO2 và Cl2. Phần dioxin bay hơi sẽ được chân không hóa đưa ra ngoài, vào hệ thống xử lý thứ cấp, đảm bảo không bay ra ngoài môi trường. Đất bùn sau khi xử lý sẽ được đưa vào sử dụng làm đất đắp trên công trường sân bay Đà Nẵng.

Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID VN cho biết tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 84 triệu USD, tăng gấp đôi so với con số 42 triệu USD được dự kiến lúc đầu cùng 35 tỉ đồng của Chính phủ VN.

Hiện tại, ngoài mố xử lý đang gần hoàn thiện, dự án đã hoàn tất thi công sân phơi tập kết đất bùn và đang là nơi tập kết của 3.200 m3 đất bùn nhiễm dioxin đầu tiên được đào tại khu vực giai đoạn 1 của dự án.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.