Tuy không phát hiện chất metanol, chất gây ngộ độc rượu ở người sử dụng, trong các mẫu xét nghiệm, nhưng có đến 77/81 mẫu bị phát hiện có nồng độ aldehyde vượt mức cho phép.
Toàn bộ các mẫu rượu lần này được thu thập tại các lò nấu rượu thủ công trên địa bàn. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng, người sử dụng rượu có aldehyde vượt mức cho phép bị triệu chứng rối loạn thần kinh cấp tính, nhức đầu, buồn nôn và có thể dẫn đến hôn mê. 95% mẫu rượu được xét nghiệm cho kết quả không an toàn là một lời cảnh báo đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, qua lấy mẫu xét nghiệm các yếu tố vi sinh và hóa lý đối với dụng cụ chế biến thực phẩm và vi khuẩn trên bàn tay người tham gia chế biến, Chi cục VSATTP cho biết có 8/32 mẫu dụng cụ không đạt chuẩn vi sinh. Đặc biệt, có 5/11 mẫu lấy từ bàn tay người tham gia chế biến thức ăn nhiễm E.Coli, Coliform… là các tác nhân gây dịch tả ở người.
Nguyên nhân, theo bác sĩ Tiến, kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống cho thấy người trực tiếp chế biến thức ăn ngộ nhận trong việc sử dụng găng tay.
“Đeo găng tay là để giữ cho thức ăn được sạch, trong khi đó người chế biến thức ăn lại ngộ nhận đeo găng tay để “giữ cho bàn tay”, chính điều đó trong quá trình chế biến thức ăn, họ vẫn đeo găng tay để lấy tiền, cầm khăn lau bàn ghế… Điều đó còn mất vệ sinh hơn cả không đeo găng tay” - bác sĩ Tiến nói.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú
Bình luận (0)