97% người được hỏi khẳng định bé gái trong thang máy chung cư Galaxy bị dâm ô

Thu Hằng
Thu Hằng
04/04/2019 21:22 GMT+7

Thang máy được coi là tiện ích của cuộc sống văn minh hiện đại, nhưng giờ đây nó lại trở thành nỗi ám ảnh khi các vụ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái liên tiếp xảy ra trong thời gian gần.

Tại buổi tọa đàm: “Thang máy chung cư: Cạm bẫy hay tiện ích hay cạm bẫy” do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức chiều 4.4 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có các thiết chế về mặt pháp luật để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. 
Theo kết quả thăm dò ý kiến nhanh trên mạng xã hội của CSAGA, hành vi trong thang máy của người đàn ông nguyên là Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái tại chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái (P.1,quận 4.TP.HCM) là “nựng” hay “dâm ô”, có đến 97% (trong số 400 ý kiến) cho rằng đây là hành vi dâm ô; 2% cho rằng đây là nựng, và 1% cho rằng góc quay của camera chưa đủ để đánh giá hành vi.
Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tú, Văn phòng Luật sư FANCI, nhìn nhận đây là hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, dựa trên pháp luật Việt Nam, theo ông Tú, hành vi này có thể cấu thành hành vi dâm ô.
LS Tú phân tích: “Mô tả hành vi diễn biến vụ việc, đầu tiên người đàn ông này cúi xuống là hôn em bé. Sau đó kéo em bé vào 1 góc hôn tiếp. Em bé muốn thoát ra người đàn ông này một tay nghe điện thoại, tay kia vẫn quàng cổ em bé kéo lại. Rất may là thang máy mở, em bé chạy thoát. Nếu xét theo đúng tính chất thỏa mãn nhục dục bằng một biện pháp cách sử dụng vũ lực thì đó là hiếp dâm. Còn pháp luật Việt Nam cứ nghĩ hiếp dâm phải có giao cấu, cho nên nếu dùng thước pháp luật Việt Nam để đo thì đây là hành vi dâm ô”.
Các luật sư đề nghị cần có các thiết chế về mặt pháp luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái ẢNH T.HẰNG
Đồng tình với ý kiến này, LS Phạm Thùy Dương (Công ty luật Tuệ Vinh) chia sẻ: “Tôi không nhìn thấy sự âu yếm của người đàn ông với đứa trẻ mà rõ ràng là sự tác động thô bạo về mặt cơ thể, nhằm thỏa mãn thú tính cá nhân. Hành vi cưng nựng là thể hiện tình cảm cho đứa trẻ cảm thấy yêu mến, hạnh phúc, nhưng rõ ràng những gì chúng ta thấy hoàn toàn là sự xâm phạm thô bạo, là sự sợ hãi của cô bé khi thoát ra khỏi thang máy. Pháp luật Việt Nam xác định là hành vi dâm ô. Tuy nhiên, theo tôi, đây là hành vi này gây tác động rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của đứa trẻ, tác động tiêu cực trong xã hội, gây ảnh hưởng đến những người trong ngành tư pháp, nên phải xử lý nghiêm khắc hơn”.
Cho rằng các quy định về luật pháp của Việt Nam liên quan đến dâm ô còn lỏng lẻo, LS Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Anh Tuấn, bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng thận trọng xử lý bằng pháp luật, không nên xử lý bằng cảm quan cá nhân.
"Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều tọa đàm với tội danh dâm ô, nhưng đối với loại tội danh này xử lý rất khó, bởi Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng... Người dân và trẻ em hoàn toàn có quyền yêu cầu (xử lý - PV). Luật làm rồi chưa rõ phải làm lại, đó là không công bằng với các trẻ em và các phụ huynh”. LS Ngô Anh Tuấn bày tỏ.
LS Phạm Thùy Dương cho rằng, tới đây cần phải bổ sung quy định thêm về trách nhiệm của ban quản trị khu đô thị, chủ đầu tư và các bên cung cấp dịch vụ tại các khu chung cư về các quy định phòng vệ, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở chung cư.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, đề xuất thêm: ngoài bổ sung các quy định pháp luật, đây là lúc cần phải xem lại trách nhiệm của các chủ đầu tư, của ban quản lý tòa nhà. "Theo tôi, trong thang máy, ban quản lý và chủ đầu tư tòa nhà cần phải có các cảnh báo như ở đây có camera, mọi hình ảnh đều được truyền lên hệ thống bảo vệ, số điện thoại đường dây nóng… để những người có hành vi sai trái không dám manh động”, bà Vân Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.