Thưa Bộ trưởng, thông tin về kết quả của chuyến làm việc với Cao ủy Thương mại EU vừa qua đang được đón nhận tích cực trong nước. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta đã đạt được những đồng thuận nào qua cuộc làm việc này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tại phiên làm việc với Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malstrom vào ngày 25.6 vừa qua tại Brussel, Bỉ, ta và EU đã đạt được một số kết quả rất tích cực.
Hai bên đã thống nhất việc tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư ra khỏi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA); thống nhất toàn bộ quá trình rà soát pháp lý của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU); và thống nhất toàn bộ các nội dung của IPA được tách ra từ FTA trước đây.
Như vậy, hai bên đã hoàn thành toàn bộ các nội dung để có thể chuẩn bị cho việc ký kết và tiếp theo đó là phê chuẩn FTA và IPA.
Công việc tiếp theo là dịch thuật văn bản hiệp định sang tiếng Việt và 24 tiếng các quốc gia thành viên. Sau đó 2 bên trình các cơ quan có thẩm quyền để ký kết. Chúng ta đang phấn đấu ở giai đoạn cuối cùng để có thể ký kết hiệp định vào cuối năm nay.
Nói ngắn gọn thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể chờ đợi gì từ hiệp định này, thưa Bộ trưởng?
EVFTA là một hiệp định thương mại dự do thế hệ mới. Đây là một trong những hiệp định xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho DN Việt Nam cũng như các ngành hàng của Việt Nam. Đến 99% các ngành hàng sẽ được giảm thuế ngay về 0%, trong khi với chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hiện nay, Việt Nam mới được hưởng 0% cho khoảng 42% nhóm hàng, sản phẩm.
Tới đây, với mức độ tăng trưởng của Việt Nam, chúng ta sẽ không còn ưu đãi GSP nữa, nên ưu đãi thuế quan ở hiệp định này có tính cơ bản, mang lại lợi ích to lớn cho DN hay sản phẩm của chúng ta như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp ô tô... đều được hưởng ưu đãi.
Theo con số tính toán của các nhà kinh tế 2 bên, sơ bộ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4 -6% vào 2019 so với nếu không có EVFTA, tương đương tăng thêm khoảng 19 tỉ USD. Đến 2028 sẽ tăng thêm hơn 75 tỉ USD. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế của chúng ta với EU có tính bổ trợ chứ không có tính cạnh tranh trực tiếp, nên thuận lợi rất lớn và cơ hội rất đáng kể nếu ta biết cách khai thác.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải “dè chừng” với những áp lực cạnh tranh nào?
Bất kỳ 1 FTA nào khi gắn với việc có cơ hội thâm nhập thị trường của đối tác thông qua căt giảm thuế quan và đơn giản hóa thủ tục, thì ta cũng phải cam kết mở rộng thị trường của chúng ta. Tuy nhiên, tôi phải nói chi tiết này để ta thấy được ý nghĩa rất quan trọng của EVFTA. Một trong những nguyên tắc đầu tiên ta đã đạt được khi đàm phán là nguyên tắc bất cân xứng, nghĩa là trong đàm phán, các nước đều công nhận sự khác biệt giữa trình độ phát triển giữa ta và bạn, nên có cơ chế để tạo sự linh hoạt, để Việt Nam có 1 quá trình chuyển đổi dài hơn trong thực hiện cam kết.
Thứ 2 do cơ cấu bổ trợ lẫn nhau nên DN ta và EU có nhiều cơ hội hợp tác hơn là cạnh tranh trực tiếp. Ngay cả trong những tương đồng, như ngành chăn nuôi, ta cũng thấy sự khác biệt.
Chúng tôi không nhìn tác động của EVFTA hoàn toàn dưới góc độ tích cực, rõ ràng là có áp lực cạnh tranh trong ngành chăn nuôi, công nghiệp ô tô... nhưng những áp lực này đều đã có trong các FTA khác. Điều quan trọng là chúng ta là hãy nhìn dưới góc độ tích cực để khai thác tốt các lợi thế, cạnh tranh cũng có thể là một nhân tố tích cực. Nếu tổ chức không tốt việc thực thi thì sẽ lãng phí cơ hội của chúng ta.
Các FTA thế hệ mới đều có những đòi hỏi rất lớn liên quan đến cải thiện thể chế, đơn cử như Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh với ngành ô tô bị các doanh nghiệp nước ngoài than phiền rất nhiều, chúng ta sẽ xử lý ra sao với vấn đề này?
Việc đòi hỏi phía VN tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, nhất là liên quan đến một số ngành CN mũi nhọn của châu Âu như ô tô thì trong quá trình đàm phán chúng tôi cũng tập trung giải quyết. Hiện tại, chưa đi vào những vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh, đầu tư hiện hữu, như các nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến ô tô, cũng như Nghị định 116.
Đúng là sau khi ban hành, Nghị định 116 đã nhận được ý kiến phàn nàn của một số đối tác của Việt Nam, kể cả một số quốc gia đang xuất khẩu ô tô sang nước. Trong quá trình làm việc, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp thu ý kiến của các đối tác và đang rà soát, xem xét lại để đảm bảo vẫn có một văn bản pháp quy để điều chỉnh hoạt động của công nghiệp ô tô Việt Nam, lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của hội nhập quốc tế.
Một số vấn đề gây tranh cãi của Nghị định 116 đang được các chuyên gia xem xét rất kỹ và sẽ có báo cáo Chính phủ đề xuất phương án xử lý.
Để thực hiện các cam kết trong EVFTA, những vấn đề nào liên quan đến thể chế sẽ phải cải tổ đầu tiên? Có khoảng bao nhiêu luật, bộ luật và các văn bản khác sẽ phải chỉnh sửa, thưa Bộ trưởng?
Các con số cụ thể chúng tôi sẽ công bố sau. Tuy nhiên, có thể nói, cùng với CPTPP mà chúng ta vừa hoàn tất rà soát pháp lý, đang chuẩn bị hồ sơ để Chủ tịch nước trình Quốc hội làm thủ tục phê chuẩn, sẽ có hàng loạt luật, văn bản pháp quy cần phải sửa đổi. Về cơ bản, các điều chỉnh sửa đổi trong rà soát pháp lý liên quan đến CPTPP cũng là những vấn đề nền tảng liên quan đến EVFTA.
Đối với EVFTA ngoài những nội dung chỉnh sửa luật thì EU rất quan tâm đến môi trường và năng lực thực thi hiệp định của chúng ta.
Có 3 lĩnh vực EU rất quan tâm là liên quan đến điều kiện công đoàn, lao động. Nội dung này chúng ta cũng đã có chuẩn bị cho CPTPP. Chính phủ cũng đã có tờ trình gửi Quốc hội để sửa đổi bộ luật Lao động.
Thứ hai, liên quan đến chống đánh bắt cá trái phép, thì với những chỉ thị mới đây của Thủ tướng và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, hoạt động đánh bắt cá trái phép đã gần như được khắc phục về cơ bản. Việc EU rút thẻ vàng cũng thực sự tạo ra những tác động tích cực. Chúng ta đang cùng với bạn có những động thái rất quyết liệt để gian tới đây sẽ thực sự đạt được những tiến bộ tích cực về vấn đề này.
Thứ ba là về môi trường và phát triển bền vững. Chính phủ và Thủ tướng đã khẳng định rất nhiều lần, quan điểm phát triển của Việt Nam là phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời giải quyết thấu đáo các vấn đề xã hội để có phát triển bao trùm. Trong Hội nghị G7 mới đây tại Canada, Thủ tướng cũng đã khẳng định một vấn đề mang tính nguyên tắc là Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá, đã được bạn bè đánh giá rất cao.
Trong các cuộc làm việc của tôi với chính giới EU, họ đều đánh giá rất cao quan điểm, hướng tiếp cận và những nỗ lực của phía Việt Nam, hàm chứa quan điểm tiếp cận tích cực và sự sẵn sàng của chúng ta trong việc thực thi EVFTA và CPTPP và nhiều FTA khác.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận (0)