Tại Việt Nam, hiện nay đã có thế hệ thứ tư là nạn nhân của chất độc dioxin (chất độc da cam) do chiến tranh, theo giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Bắt cá trong hồ có cảnh báo nhiễm độc dioxin - Ảnh: Tiểu Thiên |
Mặc dù được cảnh báo cá trong các ao hồ ở bên trong và xung quanh khu vực sân bay Biên Hòa bị
nhiễm dioxin, nhưng một số người dân vẫn đánh bắt, tiêu thụ. Báo
Thanh Niên đã liên hệ với những chuyên gia về chất da cam/dioxin tại Việt Nam để đánh giá mức nghiêm trọng của sự việc này.
|
|
|
Những tác hại của dioxin đối với sức khỏe người dân mặc dù không có biểu hiện ngay trước mắt nhưng lại gây nguy hại lâu dài và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại Việt Nam, hiện nay, đã có thế hệ thứ tư là nạn nhân của chất độc dioxin (chất độc da cam) do chiến tranh.
|
|
|
Giáo sư, bác sĩ
Nguyễn Thị Ngọc Phượng
|
|
|
Tác hại dài lâu
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất Da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nhận định: “Sự việc người dân đánh bắt cá, bán cá từ các hồ ô nhiễm dioxin sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người".
"Theo nghiên cứu khoa học thì trong đất, dioxin tồn tại bền vững trong một thời gian dài. Thời gian bán hủy của dioxin ở bề mặt đất với độ sâu 0,1cm là khoảng 9 đến 15 năm. Ở độ sâu trên 0,1cm kể từ bề mặt, thời gian này có thể kéo dài 25 tới 100 năm. Còn thời gian bán hủy của dioxin trong cơ thể người cũng rất dài, thường dao động khoảng từ 5,8 đến 14,1 năm”, bà Phượng nói thêm.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ (TS) Trần Thị Tuyết Hạnh, Hội Y tế công cộng Việt Nam phối hợp thực hiện đánh giá
nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm, bằng cách phân tích các mẫu thực phẩm lấy từ ao hồ, tại các hộ gia đình và các chợ ở 3 phường xung quanh sân bay Biên Hòa.
Kết quả cho thấy, nồng độ dioxin trong các mẫu cá nước ngọt ở các hồ xung quanh sân bay, thịt gà và trứng gà chăn thả truyền thống, thịt vịt, trứng vịt lấy từ các hộ gia đình và ốc được bắt tại các hồ xung quanh sân bay cao hơn tiêu chuẩn cho phép trên thế giới hàng chục cho đến hàng trăm lần.
TS Tuyết Hạnh nhấn mạnh: “Nếu người dân sử dụng thực phẩm địa phương có nguy cơ cao nhiễm bẩn dioxin này thì mức phơi nhiễm hàng ngày với dioxin là rất cao, vượt xa mức an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới".
TS Tuyết Hạnh lấy mẫu cá để đánh giá nguy cơ sức khoẻ liên quan đến dioxin trong thực phẩm ở điểm nóng dioxin sân bay Biên Hoà - Ảnh: NVCC
|
Truyền từ mẹ sang con
Từng hộ sinh nhiều ca hài nhi dị dạng vì chất da cam và các chất diệt cỏ khác, trong đó có chứa tạp chất dioxin, giáo sư Ngọc Phượng cảnh báo nếu phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú ăn thực phẩm chứa dioxin sẽ dễ nhiễm cho bé thông qua sữa mẹ.
Poster truyền thông nguy cơ giảm phơi nhiễm dioxin trong cộng đồng do Hội Y tế công cộng Việt Nam xây dựng và khuyến cáo người dân thực hiện
|
|
|
Ông Trần Ngọc Tâm, Trưởng ban Khoa học, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam có các đơn vị thải độc dioxin đang hoạt động là: Viện Quân y 103 (Hà Nội), Trung tâm tẩy độc tỉnh Thái Bình, Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng Đà Nẵng và trung tâm ở Gia Lai, Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Tâm, các nghiên cứu kết quả điều trị của Viện Quân y 103 cho thấy sau quá trình thải độc thì nồng độ dioxin trong cơ thể bệnh nhân giảm 50 - 75%.
|
|
|
“Khi phơi nhiễm qua đường ăn uống là phơi nhiễm mãn tính, thường không có triệu chứng. Nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, nó sẽ nhiễm vào cơ thể, tích lũy bền vững ở gan và các mô mỡ và tăng nguy cơ gây ung thư”, giáo sư Phượng cho biết.
TS Tuyết Hạnh nhấn mạnh: “Người dân ăn vào nhưng ‘có thấy gì đâu’ vì dioxin tồn tại trong cá ở hàm lượng rất thấp. Với nồng độ chỉ ở đơn vị pg/g, nghĩa là một phần nghìn tỉ g nên hiếm khi người dân ăn cá hay thực phẩm bị nhiễm bẩn dioxin mà có thể cảm nhận hay bị ảnh hưởng sức khoẻ ngay trong ngắn hạn"
"Tuy nhiên, nếu thường xuyên tiêu thụ cá và các loại thực phẩm nguy cơ cao đánh bắt ở bên trong và xung quanh sân bay Biên Hòa cũng như sân bay Đà Nẵng và các điểm nóng dioxin khác ở Việt Nam thì về lâu dài họ sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh ung thư hay bị các bất thường về sinh sản và rất nhiều nguy cơ sức khoẻ nghiêm trọng khác”, bà Hạnh nói thêm.
“Theo Viện Y khoa Mỹ năm 2014, hiện đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận 'có mối liên quan' giữa phơi nhiễm dioxin và các bệnh ung thư. Ngày 20.2.2008, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành Danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/ dioxin”, TS Tuyết Hạnh lưu ý.
Người dân vô tư vào bắt cá ở hồ nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa - Ảnh: Tiểu Thiên
|
Giáo sư Phượng nói thêm: "Việc người dân đánh bắt và ăn cá ở khu vực hồ nhiễm chất độc dioxin gần sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) là vô cùng nguy hại. Dioxin trầm lắng ở trong bùn, những loại cá tôm sống trong hồ này có thể nhiễm dioxin. Khi người dân ăn cá tôm nhiễm dioxin thì chất dioxin sẽ đi vào cơ thể và nhiễm trong máu. Dioxin là chất có khả năng gây ung thư".
“Những tác hại của dioxin đối với sức khỏe người dân mặc dù không có biểu hiện ngay trước mắt nhưng lại gây nguy hại lâu dài và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại Việt Nam, hiện nay, đã có thế hệ thứ tư là nạn nhân của chất độc dioxin (chất độc da cam) do chiến tranh”, bác sĩ Phượng cảnh báo.
Cần duy trì liên tục truyền thông về tác hại dioxin
Hỏi về biện pháp ngăn chặn, về mặt y tế, TS Tuyết Hạnh cho biết Hội Y tế công cộng Việt Nam và tỉnh hội Y tế công cộng Đồng Nai đã triển khai can thiệp dự phòng phơi nhiễm dioxin ở phường Trung Dũng và Tân Phong xung quanh sân bay Biên Hòa giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm với dioxin cho cộng đồng.
“Tuy nhiên, do các hoạt động can thiệp truyền thông về nguy cơ dioxin chỉ diễn ra trên địa bàn 2 phường trong thời gian 1 năm. Sau đó, các hoạt động này chưa được chính quyền chỉ đạo để Y tế địa phương lồng ghép đưa vào các hoạt động y tế triển khai hàng năm nên tính duy trì chưa tốt. Người dân đã được truyền thông thì họ có ý thức hơn, không đánh bắt, tiêu thụ thực phẩm nguy cơ cao nhiễm bẩn dioxin”, TS Tuyết Hạnh lý giải.
Vây lưới bắt cá trong hồ nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa - Ảnh: Tiểu Thiên
|
Trước tình hình người dân bất chấp đánh bắt cá tại các hồ ô nhiễm dioxin, TS Tuyết Hạnh cho rằng các cơ quan chức năng cần có ngay những biện pháp hiệu quả để tránh những bức xúc, lo lắng trong cộng đồng.
Bình luận (0)