Ai có quyền ngăn chặn xuất cảnh?

10/07/2007 00:29 GMT+7

Từ đầu năm 2006 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Bộ Công an đã tiếp nhận 138 đơn thư đề nghị ngăn chặn xuất cảnh (XC) nhưng hầu hết các đơn thư đều chưa đúng quy định của pháp luật. Chung quanh vấn đề nhạy cảm này, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thượng tá Phạm Ngọc Khoa (ảnh), Phó trưởng Phòng 1 - Cục QLXNC.

* Thượng tá có thể cho biết thẩm quyền của cơ quan QLXNC như thế nào trong việc tạm hoãn XC đối với công dân VN và người nước ngoài?

- Điểm a, b khoản 1 và 2 điều 14, chương IV, Nghị định số 05/2000/NĐ - CP ngày 3.3.2000 của Chính phủ về XC, nhập cảnh của công dân VN quy định công dân VN chưa được phép XC nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang có nghĩa vụ thi hành án hình sự hoặc đang bị cơ quan điều tra (CQĐT) yêu cầu chưa cho XC hoặc chưa cấp hộ chiếu để phục vụ công tác điều tra tội phạm; người đang có nghĩa vụ thi hành bản án chờ để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế, hành chính; chờ để thi hành quyết định xử phạt hành chính; đang có nghĩa vụ nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật (trừ các trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản, bảo lãnh bằng tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó...). 

Theo yêu cầu của CQĐT, tòa án (TA), viện kiểm sát (VKS), cơ quan thi hành án (THA), cơ quan QLXNC thông báo cho lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu thực hiện việc hoãn XC đối với những người thuộc diện đã nêu. Còn đối với người nước ngoài, có thể bị tạm hoãn XC nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động; đang có nghĩa vụ thi hành án hình sự; dân sự, kinh tế, lao động; đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính (trừ những trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản, bảo lãnh bằng tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật VN).

CQĐT, TA, VKS, cơ quan THA từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên có thẩm quyền quyết định tạm hoãn XC trong những trường hợp quy định theo luật. Đồng thời, những cơ quan này phải ra quyết định giải tỏa tạm hoãn XC khi không còn yêu cầu tạm hoãn XC và phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan QLXNC để thực hiện.

Cục QLXNC không phải là cơ quan có thẩm quyền trong việc ra quyết định tạm hoãn XC đối với công dân VN và người nước ngoài mà chỉ là cơ quan thực hiện quyết định theo yêu cầu của CQĐT, TA, VKS, cơ quan THA các cấp.

* Thủ tục đề nghị tạm hoãn XC như thế nào, thưa thượng tá?

- Người dân hoặc các cơ quan, tổ chức có yêu cầu tạm hoãn XC phải làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền. Sau khi xem xét, thẩm tra, xác minh vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản theo mẫu gửi Cục QLXNC - Bộ Công an (ở địa phương đồng gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) kèm theo bản sao một trong các văn bản tố tụng như: bản án, quyết định khởi tố, truy tố, thi hành án hoặc các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ khác về tài chính.

Cục QLXNC sau khi nhận văn bản sẽ kiểm tra, thực hiện việc chưa cấp hộ chiếu hoặc thực hiện biện pháp ngăn chặn khi đương sự làm thủ tục XC tại cửa khẩu.

 Hữu Phú (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.