'Án lệ không chuẩn mực thì hậu quả khôn lường'

02/11/2015 15:41 GMT+7

(TNO) Sau khi TAND tối cao công bố Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ giảm được oan sai nhưng không ít hệ lụy.

(TNO) Sau khi TAND tối cao công bố Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ giảm được oan sai nhưng không ít hệ lụy.

Bị cáo Huỳnh Thanh Lợi bị cáo buộc tội hiếp dâm trẻ em. Bị hại là cháu ruột của bị cáo. Tuy nhiên, khi ra tòa bị cáo liên tục kêu oan - Ảnh: Ngọc LêBị cáo Huỳnh Thanh Lợi bị cáo buộc tội hiếp dâm trẻ em. Bị hại là cháu ruột của bị cáo. Tuy nhiên, khi ra tòa bị cáo liên tục kêu oan - Ảnh: Ngọc Lê
Có án lệ, kết quả đã khác
Theo luật sư (LS) Hoàng Như Vĩnh, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Án lệ được lựa chọn phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về TAND tối cao để phát triển thành án lệ. Tóm lại, án lệ là những bản án có tính chất mẫu mực được công bố, hành vi và nội dung tương tự cùng tính chất với nhau thì được áp dụng như nhau.
LS Vĩnh phân tích, việc TAND Tối cao công bố Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ là bước đột phá nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động xét xử.
LS Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên hội đồng luật sư toàn quốc nêu ý kiến, ở Việt Nam từng có những vụ án giống nhau về tình tiết, nội dung nhưng lại tuyên khác nhau về tội danh và mức hình phạt. Ví dụ như vụ án ông H.N.S (nguyên giám đốc một ban quản lý dự án giao thông ở TP.HCM) về tội "nhận hối lộ". Cụ thể, khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA cho dự án này, các quan chức PCI quyết định phải đưa hối lộ cho các “sếp” phụ trách để nhận được các gói thầu tư vấn dự án và có thể rút tiền từ ngân hàng đại diện chính phủ Nhật Bản làm vốn thực hiện gói thầu. Do vậy, ban lãnh đạo PCI tìm cách tiếp cận ông S. để thỏa thuận "chung chi" kèm theo những yêu cầu. Và vụ án các quan chức thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 11 tỉ ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản.

Ngay cả các nước khác án lệ cũng có khác nhau do truyền thống làm luật khác nhau. Nhìn chung, áp dụng án lệ là cần thiết nhưng cần có lộ trình hợp lý

LS Hoàng Như Vĩnh, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai

“Hai vụ án này nội dung, bản chất vụ việc giống nhau, và cũng là Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng nhưng tội danh khác nhau, mức án khác nhau. Nếu như có án lệ thì chắc hẳn kết quả đã khác”, LS Tám phân tích.
Việc áp dụng án lệ sẽ có những thuận lợi, cụ thể: người thi hành pháp luật như thẩm phán, luật sư và người dân có thể nghiên cứu, vận dung bằng thực tế. Ở nước ngoài, các luật sư tập hợp, lưu giữ rất nhiều án lệ, khi có vụ án xảy ra giống án lệ thì đề nghị xét xử như vậy.
LS Tám cho rằng, án lệ còn giúp chống oan sai tốt, đảm bảo quá trình xét xử mang tính chuẩn mực. Không những thế, án lệ giúp cho cơ quan tố tụng địa phương áp dụng theo chuẩn mực của án lệ mà không xét xử theo cảm tính nữa.
Áp dụng án lệ sẽ tiết kiệm được thời gian giải quyết vụ án (bởi có những vụ án dân sự 10 năm vẫn chưa xử được, rất nhiều vụ án hình sự trả hồ sơ liên tục), chi phí giảm bớt, tăng độ tin cậy của dân đối với ngành tòa án.
Ở nước ngoài, có những vụ án bắt giữ, đưa ra xét xử, tuyên án trong vòng 1 ngày. Những hành vi được cho là bình thường ở Việt Nam nhưng vẫn có thể làm án lệ ở nước ngoài.
Lo ngại phát sinh hệ lụy
Tuy nhiên, các luật sư cho rằng việc áp dụng án lệ cũng sẽ phát sinh những hệ lụy nhất định. LS Vĩnh cho rằng, chế định án lệ được áp dụng thì đã đưa một phần quyền lập pháp cho Tòa án. Tòa án lúc này vừa là cơ quan tư pháp lại vừa là cơ quan lập pháp, nếu các bản án là tối ưu, tuyệt đối đúng thì không sao, nhưng bản án chưa chuẩn mà được áp dụng như một nguồn luật thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng pháp luật chưa hoàn chỉnh nên thay đổi thường xuyên thì TAND Tối cao có kịp thời lựa chọn, công bố án lệ một cách kịp thời (Ví dụ: còn bao nhiêu điều luật chưa được TAND Tối cao ra thông tư, Nghị quyết hướng dẫn).
LS Vĩnh cho rằng, án lệ ở Việt Nam khác với án lệ các nước ngoài, bởi lẽ các bản án ở Việt Nam vẫn phải đáp ứng các yêu cầu : "Chính trị - Pháp luật - Nghiệp vụ ". Ngay cả các nước khác án lệ cũng có khác nhau do truyền thống làm luật khác nhau. Nhìn chung, áp dụng án lệ là cần thiết nhưng cần có lộ trình hợp lý.
Còn LS Tám phân tích, án lệ ở Việt Nam khác với thế giới vì tố tụng toà án Việt Nam theo quy trình xét hỏi. Mà xét hỏi thì công việc của thẩm phán nặng nề hơn nhiều vì sẽ làm những việc thay cho kiểm sát viên, điều tra... Ngoài ra, nếu bị chi phối bởi án lệ sẽ làm tư duy, nghiên cứu, sáng tạo giảm bớt bởi mải mê tìm án lệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.