Ào ạt bứng cổ thụ bán làm kiểng

15/04/2019 05:32 GMT+7

Rất nhiều cây trâm sắn, 1 trong 2 loài cây lâu năm đặc trưng nhất của vùng Bảy Núi (An Giang), đang bị người dân bứng gốc bán làm kiểng , trong khi chính quyền địa phương bối rối “không biết làm sao”.

“Lái cây” náo động vùng quê

Địa phương rất bức xúc nhưng hiện nay không có văn bản nào cấm mua bán loại cây này. Biện pháp trước mắt là đề nghị công an bắt giữ nếu phát hiện các xe chở quá tải
 Ông Cao Quang Liêm, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Tri Tôn
Thời gian gần đây, ở H.Tri Tôn (An Giang) xuất hiện nhiều thương lái mua các cây trâm lâu năm với giá cao. Khi chủ cây trâm chấp thuận giá bán thì lập tức có người đến đào và bứng gốc vận chuyển đi nơi khác.
Điều đáng nói, trâm sắn và thốt nốt là 2 loại cây đặc trưng nhất của vùng Bảy Núi, gồm 2 huyện giáp biên giới Campuchia là Tri Tôn, Tịnh Biên. Cây trâm có tán rộng, trái chín màu tím thẫm rất đẹp, vị ngọt, thơm dịu, hơi chát. Hằng năm, cây trâm sắn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nhờ việc hái trái trâm đem bán.
Tại bãi tập kết ở ấp Tô Thuận, xã Núi Tô (H.Tri Tôn) luôn có khoảng 20 cây trâm chiều dài gần 20 m, đường kính rễ 2 - 3 m. Từ đây, lần lượt từng gốc trâm sắn sẽ được xe container chở đi. Khi lực lượng công an, kiểm lâm xuống kiểm tra, nhóm người vận chuyển cây không xuất trình được giấy tờ liên quan. Nhưng sau khoảng 1 giờ, họ xuất trình bảng thống kê, hợp đồng mua bán cây với chủ đất. Dù qua đo đạc và kiểm tra thấy giấy tờ và thực tế “không khớp”, song lực lượng kiểm lâm chỉ nhắc nhở nhóm người trên bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Vận chuyển cây trâm sắn bằng xe siêu trọng
Một tài xế vận chuyển cây trâm tiết lộ những cây ở bãi tập kết đã được “săn lùng” khoảng 1 năm nay. “Tổng cộng cả ngàn cây. Các đại gia ở thành thị rất ưa chuộng trâm sắn để trồng lấy bóng mát và phong thủy nên nhu cầu rất lớn. Mỗi cây bứng xong nặng khoảng 5 tấn, gồm phần rễ và đất bao quanh rễ. Trâm phần lớn được chuyển ra bắc, chi phí vận chuyển một cây đến Hà Nội khoảng 60 triệu đồng”, tài xế này cho biết thêm.
Chứng kiến cảnh xe trọng tải lớn ra vào vận chuyển trâm ngay đoạn đường dẫn vào hồ Soài Check (xã Núi Tô), ông N.V.H (người dân địa phương) cho biết việc bứng trâm bán diễn ra liên tục, nhất là khu vực gần chân đồi Tà Pạ. “Chúng tôi tiếc vì loài cây này là đặc trưng của địa phương. Cũng không hiểu sao, việc mua bán trâm sắn diễn ra công khai mà không có sự ngăn cản nào của địa phương”, ông H. nói.

Ngành chức năng... bối rối

Cây thốt nốt cũng từng bị đào bán ồ ạt

Ngoài cây trâm sắn, trước đây ở Bảy Núi (An Giang) còn diễn ra tình trạng thương lái mua cây thốt nốt số lượng lớn với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/cây. Mục đích đưa về trồng tại khu biệt thự, du lịch, nghỉ dưỡng. Cây thốt nốt không nằm trong danh mục cấm buôn bán, nhưng lại là cây đặc trưng, chủ lực của ngành tiểu thủ công nghiệp (sản xuất đường, bánh kẹo) tại địa phương. Cũng như trâm sắn, thốt nốt là loại cây đặc trưng nhất ở An Giang và phải mất 20 năm mới cho trái
Giải thích về việc quản lý cây trâm sắn trên địa bàn, ông Cao Quang Liêm, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Tri Tôn, xác nhận tình trạng thương lái lùng mua trâm đã diễn ra từ nhiều ngày qua. Trâm đẹp có giá khoảng 30 triệu đồng/cây. “Địa phương rất bức xúc, nhưng hiện nay không có văn bản nào cấm mua bán loại cây này. Biện pháp trước mắt là đề nghị công an bắt giữ nếu phát hiện các xe chở quá tải, cùng với đó là vận động người dân giữ lại loài cây đặc trưng của vùng”, ông Liêm nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay khu vực gần bãi tập kết cây trâm, người dân cũng bức xúc khi các xe vận chuyển trọng tải lớn khiến đường sá hư hỏng nhanh chóng.
Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, việc mua bán, đào bứng cây trâm ra khỏi địa bàn tỉnh như hiện nay do quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có những điểm mới đã tạo sự thông thoáng trong lưu thông lâm sản của người dân. Đây cũng là “thời cơ” cho các thương lái kinh doanh cây bóng mát, cổ thụ, tập trung tích trữ hàng độc, lạ để kiếm lời.
“Để hạn chế tình trạng trên, cần lập bảng thống kê cây có bề ngang khoảng 1,5 m trở lên, đưa vào diện cây đặc thù của địa phương cần được bảo vệ và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân giữ lại. Cùng với đó là các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển, đào bứng trâm cũng như xử phạt xe quá khổ, quá tải”, ông Trương Minh Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, nói. Cũng theo ông Hùng, việc phân bố cây trâm tại xã Núi Tô và Cô Tô tạo nên một cảnh quan độc đáo, là điểm nhấn cho du lịch của H.Tri Tôn nên rất cần cấp có thẩm quyền cho phép gieo ươm, cung cấp cây trâm giống cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.