Ngày 20.6, Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa chuyển hồ sơ sang Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh này đề nghị điều tra, xử lý trường hợp bác sĩ (BS) sử dụng bằng đại học (ĐH) y giả, khi người này nộp hồ sơ vào làm việc tại một phòng khám (PK).
Dùng bằng giả làm việc ở Sở Y tế, rồi đi học chuyên khoa...
Trong quá trình kiểm tra nhân sự tại PK đa khoa Đại Phước (H.Nhơn Trạch) để chuẩn bị đi vào hoạt động, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện hồ sơ của bà T.X.N (42 tuổi, thường trú TP.HCM), phụ trách chuyên môn Phòng chẩn đoán hình ảnh của PK, có vấn đề về bằng cấp, nên đã xác minh.
Cụ thể, trong hồ sơ bà N. khai tốt nghiệp y đa khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM (số hiệu 191/Y96 cấp ngày 10.10.2002), bằng chuyên khoa 1 do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp (số hiệu B0033967). Ngoài ra, bà N. còn có Chứng chỉ hành nghề số 001936/BRVT-CCHN do Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) cấp ngày 13.2.2014 và Giấy chứng nhận số 858/GCN do Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM cấp ngày 29.8.2008 cho khóa học: Đọc CT - Scanner tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Chợ Rẫy (thời gian học từ ngày 4.6.2008 - 4.9.2008).
|
Nhận được văn bản của Sở Y tế Đồng Nai, Trường ĐH Y Dược TP.HCM rà soát và sau đó có văn bản trả lời: “Bà T.X.N không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10.10.2002”.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng trả lời Sở Y tế Đồng Nai, có cấp bằng trên (chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh), giấy chứng nhận siêu âm tim cho bà N. Nhưng “Do bà N. không trung thực trong hồ sơ đăng ký học (sử dụng bằng giả tốt nghiệp ĐH y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM), nên trường sẽ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng này, giấy chứng nhận trên”.
Trên cơ sở xác minh từ Trường đại học Y Dược TP.HCM, Sở Y tế Đồng Nai đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh BR-VT cấp cũng như Giấy chứng nhận khóa học: Đọc CT - Scanner do BV Chợ Rẫy cấp cho bà N., đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý. PK đa khoa Đại Phước cũng đã cắt hợp đồng với bà N. sau khi Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác định người này sử dụng bằng cấp giả.
“Lọt” qua hàng loạt cơ quan y tế
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, bà N. khai nhận sau khi có bằng ĐH y khoa giả bà có làm việc tại Sở Y tế tỉnh BR-VT từ năm 2003 - 2012. Năm 2012, bà đi học chuyên khoa 1 tại Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch và sau đó đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM (từ năm 2013 - 2018). Chưa hết, năm 2017, bà N. còn ký hợp đồng hợp tác với PK 115 (H.Nhơn Trạch). Cũng trong năm 2017, bà N. ký hợp đồng không thời hạn với BV Quận 7 (TP.HCM) về siêu âm - chẩn đoán hình ảnh do PK 115 nói trên không hoạt động.
Vụ “Chạy” chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng:
|
“Qua sự giới thiệu của mấy BS trong Sở Y tế và lúc này Phòng Nghiệp vụ y cũng đang cần người nên chúng tôi nhận về làm việc theo dạng ký hợp đồng. Làm được mấy tháng (không rõ năm) thì hết hợp đồng và Sở Y tế cũng không ký tiếp. Sau đó, bà N. đi làm chỗ này chỗ khác”, lãnh đạo này cho hay. Đối với chứng chỉ hành nghề, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y cũng thừa nhận đã cấp cho bà N.
Lý do vì sao không phát hiện ra bằng cấp giả, vị lãnh đạo này nói: “Trong thủ tục hồ sơ nộp vào thì bằng cấp có công chứng. Khi đi công chứng thì người ta yêu cầu nộp bằng cấp thật để kiểm chứng, chứ mình đâu yêu cầu người ta nộp bằng chính được. Còn sau đó, khi nào mình có nghi ngờ mới gửi hồ sơ đi xác minh. Và trong 2 lần, lần xin làm việc ở Sở Y tế và xin cấp chứng chỉ hành nghề bà N. đều cung cấp bằng có công chứng”.
Bác sĩ sử dụng bằng giả là "giết người"
Đây không phải là lần đầu tiên Sở Y tế Đồng Nai phát hiện BS sử dụng bằng giả. Tháng 3.2020, sở này cũng phát hiện trường hợp tương tự là bà Đ.K.L (35 tuổi) - BS thực hành tại Khoa Cấp cứu - BV đa khoa (BVĐK) Đồng Nai.
Theo đó vào giữa năm 2019, bà L. xin vào thực hành tại BV này, trong hồ sơ có bằng tốt nghiệp ĐH Dược của Học viện Quân y (tốt nghiệp năm 2011) và bằng BS y khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM (tốt nghiệp năm 2018). Sau đó, bà L. được BV tiếp nhận và phân công về thực hành tại khoa cấp cứu. Sau hơn 2 tháng thực hành tại đây, phát hiện bà L. có dấu hiệu bất thường trong chuyên môn nên BVĐK Đồng Nai đã thẩm tra lại các bằng cấp và phát hiện giả mạo nên báo cáo Sở Y tế vào cuộc xác minh. Thanh tra Sở Y tế xác định cả 2 bằng cấp bà L. cung cấp đều là giả mạo.
Trả lời Thanh Niên ngày 20.6, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đánh giá BS mà sử dụng bằng giả để tham gia khám chữa bệnh là... giết người. “Bất cứ ngành nghề gì mà sử dụng bằng cấp giả đều không thể chấp nhận. Với ngành y thì đây là việc làm hết sức nguy hiểm, vì hậu quả chết người rất dễ xảy ra. Cũng may 2 trường hợp nêu trên được phát hiện kịp thời. Nhận thức được việc này, tôi thường xuyên yêu cầu Phòng Nghiệp vụ y phải thường xuyên rà soát, kiểm tra xử lý”, BS Vũ nói.
Bình luận (0)