Ông Hùng và bác sĩ Sam Axelrad - Ảnh: Khả Hòa |
Năm 1966, bác sĩ Sam Axelrad là chỉ huy một đơn vị y tế Mỹ phục vụ cho doanh trại Radcliff gần An Khê, thì trực thăng chở một người “lính Việt cộng” đến trạm y tế của ông trong tình trạng nguy kịch, với một cánh tay đã thối rữa và không còn cử động được. Đó là ông Nguyễn Quang Hùng. Các bác sĩ của trạm đã phẫu thuật cắt rời hơn nửa cánh tay dưới bị hoại tử để cứu mạng sống cho ông Hùng. Sau đó, bác sĩ Sam Axelrad quyết định giữ lại phần xương cánh tay bị cắt rời của người bệnh từ bên kia chiến tuyến.
“Cảm thấy nhẹ nhõm”
|
Bởi vậy sáng hôm qua 1.7, khi bác sĩ Sam Axelrad trở lại thị xã An Khê (Gia Lai) sau 47 năm và mang theo phần xương cánh tay năm xưa để trao lại cho ông Nguyễn Quang Hùng, thì những người có mặt đều không thể cầm được nước mắt.
“Tôi rất xúc động khi biết bác sĩ Sam Axelrad sẽ đến tận nhà mình để trao trả một phần cánh tay của tôi sau gần nửa thế kỷ. Cả mấy hôm nay tôi không thể ngủ được, vui vì sắp gặp lại ân nhân. Tôi dặn con cái phải về đông đủ để gặp và cảm ơn ân nhân. Nhận lại phần cánh tay của mình rồi, tôi sẽ giữ cẩn thận và dặn con cháu hãy chôn cùng khi tôi lìa trần”, ông Hùng chia sẻ.
Còn bác sĩ Sam Axelrad thì tâm sự: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trao lại một phần cánh tay cho ông Hùng, hoàn thành tâm nguyện của mình. Ông Hùng cũng là người đặc biệt vì đã thoát được cái chết trẻ. Tiếc là vợ ông ấy đã mất, nếu tôi biết từ hai năm trước, tôi có thể đưa vợ ông Hùng sang Mỹ trị bệnh”.
Sang Việt Nam với bác sĩ Sam lần này còn có hai con trai và hai cháu của ông. Anh Chris
Axelrad, con trai bác sĩ Sam xúc động: “Thật tuyệt vời khi chứng kiến cuộc hội ngộ này. Tôi biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với bố tôi và tôi muốn con gái tôi cũng được chứng kiến sự kiện quan trọng này”.
Vị bác sĩ người Mỹ cho biết mình đã giữ kỷ vật lạ lùng này trong suốt nửa thế kỷ tại Mỹ nhưng “chưa bao giờ nghĩ mình thực sự sở hữu nó”. “Tôi luôn cảm giác tôi chỉ tạm thời giữ đoạn xương cánh tay. Tôi biết nó thuộc về ông Hùng và nó có ý nghĩa với ông ấy”, bác sĩ Sam Axelrad nói. Dù năm nay đã 75 tuổi, ông vẫn quyết định vượt nửa vòng trái đất, từ bang Texas (Mỹ) tới Hà Nội và từ Hà Nội đi Quy Nhơn, rồi từ đó lên An Khê. “Đây quả là một sự kiện rất đặc biệt, tôi đã không dám mơ rằng nó sẽ xảy ra”, vị bác sĩ nói, giọng đôi lúc bị ngắt quãng vì xúc động.
Một phép màu
|
Rời Việt Nam năm 1967, trong lúc thu dọn hành lý, bác sĩ Sam Axelrad chợt nhìn thấy đoạn xương cánh tay trong đống đồ đạc của mình. “Tôi đã có thể vứt nó đi, nhưng rồi một ý nghĩ chợt nảy ra, tôi nhặt nó lên và mang về Mỹ”. Ông đã giữ đoạn xương cánh tay ấy, cùng hơn 100 tài liệu từ thời chiến tranh, bao gồm bài phát biểu của Tổng thống Lyndon Johnson và những bức ảnh chụp ở Việt Nam, trong đó có cả những tấm hình của ông Hùng. Tất cả đặt trong một chiếc hòm để tại tư gia trong suốt hàng chục năm. Chỉ khi ông có ý định quay trở lại Việt Nam, ông mới mở chiếc hòm vào năm 2010.
“Cũng giống như khoảng 90% cựu chiến binh Mỹ khác, chúng tôi bị ám ảnh bởi cuộc chiến và phải chịu đựng cái gọi là hội chứng hậu chiến tranh”, ông chia sẻ lý do vì sao ông không mở chiếc hòm chứa những kỷ vật chiến tranh trong nhiều thập kỷ. “Chúng tôi không muốn nhắc lại những ký ức đau thương của thời chiến và không muốn chia sẻ với ai về điều đó”, ông nói tiếp.
Quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 2012, bác sĩ Sam Axelrad chỉ hy vọng tìm lại được gia đình của người “lính Việt cộng” năm xưa. Ông đã đi từ TP.HCM đến Gia Lai, Bình Định ra đến Huế và miền Bắc để chỉ cho con cháu mình những kỷ niệm ngày xưa và dò tìm manh mối về Charlie.
Trong chuyến đi, ông tình cờ gặp một cộng tác viên Báo Thanh Niên, và câu chuyện của ông được đăng tải trên báo vào tháng 11.2012. Ngay sau đó, một cuộc gặp tại thị xã An Khê đã được chuẩn bị để “cánh tay hoàn chủ”. “Chuyến đi ấy là một phép màu”, vị bác sĩ già nói.
Trần Hiếu - Quỳnh Hoa
Bình luận (0)