Bài toán ngập lụt tại TP.HCM: Chỉ được giải vào năm 2020 ?!

17/10/2007 15:46 GMT+7

(TNO) Liên tiếp trong những ngày từ 14.10 đến nay, sau cơn mưa vào lúc chiều tối, hàng loạt con đường tại TP.HCM lại bị biến thành... sông. Mặc dù TP.HCM đã có quy hoạch tổng thể thoát nước từ năm 2001 đến năm 2020 với nhiều dự án thoát nước; và hằng năm các đơn vị hữu quan vẫn tiếp tục bàn biện pháp giải ngập, chống ngập, thế nhưng mưa đến, triều lên, đường sá vẫn ngập lụt...

Ngập trên diện rộng

Cơn mưa chiều tối 16.10 khiến khu vực bùng binh cây Gõ, đường 3-2 , đường Minh Phụng, Bình Thới  và hàng loạt các tuyến đường lân cận chìm trong nước từ 0,2 - 0,5 m. Mặc dù đến 20h30 mưa đã tạnh nhưng phải đến hơn 22h, nước mới chỉ rút một phần. Tương tự, tại khu vực sân bay, các đường Trường Sơn, Cộng Hoà (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh, Chu Văn An, Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh)… cũng bị chìm ngập trong nước.

Trong những ngày qua, một số tuyến đường khu vực trung tâm TP như đường Lê Lai, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng cũng ngập nặng khiến tình hình giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.


Khu vực công viên Chiến Thắng (Q.Tân Bình) sau cơn mưa chiều tối 16.10 (Ảnh: Ngọc Hậu)

Theo Sở GTCC TP.HCM, tình trạng hệ thống thoát nước của TP.HCM hiện nay vừa thiếu về số lượng, chiều dài, vừa nhỏ về tiết diện ống, vừa cũ kỹ. Hơn thế, hệ thống thoát nước mang tính chắp vá qua các thời kỳ; tất cả những đường ống thoát nước đều dùng chung cho thoát nước mưa và nước thải.

Cũng theo Sở GTCC, quá trình đô thị hóa từ năm 1998 đến năm 2006, 12.648 ha đất nông nghiệp, ao hồ, kênh rạch đã bị biến thành đất xây dựng. Cho đến tháng 6.2006, diện tích kênh rạch cần san lấp theo các dự án giao đất và thuê đất là 2.157 ha. Chính việc san lấp ồ ạt các hệ thống điều tiết tự nhiên này đã  làm mất nơi chứa nước mưa và nước triều. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chưa đưa ra một hệ thống hay giải pháp nào thay thế nhằm tăng khả năng thoát nước.

Hệ thống thoát nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu

Theo thống kê, trước năm 1954, Pháp đã làm 113km cống vòm xây bằng gạch ở các quận 1, 3, 5 để thoát  nước cho khu trung tâm Sài Gòn. Sau năm 1975 đến nay, TP.HCM đã cải tạo và lắp đặt mới tổng cộng khoảng 944 km đường ống thoát nước. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thoát nước cho TP. Hiện nay, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có hệ thống thoát nước.

Theo nghiên cứu của một chuyên gia quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, TP.HCM trừ một vài vùng cao như Hóc Môn, Thủ Đức, hơn 50% diện tích đô thị của TP.HCM nằm dưới mực nước triều cường. Hơn thế, khoảng 2/3 diện tích sông rạch và các vùng đất ướt đã bị tình trạng lấn chiếm đường tiêu thoát nước làm tắc nghẽn, thậm chí thành sông cụt, đã khiến khả năng điều tiềt nước suy giảm, nước ngập ô nhiễm trầm trọng… Chỉ riêng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, theo cơ quan chức năng, để có đủ khả năng tiêu thoát nước thì phải nạo vét đến 1.100.000 m3 bùn và chất thải.

Vẫn loay hoay với các dự án thoát nước

Theo Sở GTCC, quy hoạch tổng thể của TP.HCM giai đoạn 2001-2020, TP phải đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng (mà theo thời giá hiện nay đã lên 60.000 tỷ đồng) để phát triển hệ thống thoát nước cho khu vực nội thành (650 Km2); nạo vét 300km kênh rạch; cải tạo, sửa chữa, xây dựng 2.250 km cống chính và 3.750 km mương hở. Tuy nhiên, đến nay TP chỉ đầu tư được 5.000 tỷ đồng. Như vậy đến năm 2020, TP còn phải đầu tư 55.000 tỷ cho các công trình thoát nước thì tình hình ngập lụt mới cơ bản giải quyết.


Cũng sau cơn mưa chiều tối 16.10, đường Bình Thới (Q.11) bị ngập có nơi đến 0,5 m (Ảnh: Ngọc Hậu)

Thực tế trong thời gian qua, các dự án quy hoạch thoát nước lớn thực hiện bằng vốn ODA (vốn vay Ngân hàng Thế giới) vẫn chưa có cái nào phát huy tác dụng. Được xem là tiến triển nhất, nhưng dự án "Cải thiện môi trường nước TP.HCM" cho đến nay chỉ mới hoàn thành 37% khối lượng và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2009.

Trong khi đó, dự án "Vệ sinh môi trường TP.HCM", được dự kiến hoàn thành vào năm 2008, đến thời điểm này chỉ thực hiện được 32% kế hoạch. Theo thỏa thuận, nếu đến 15.11.2007 không đạt được yêu cầu của Ngân hàng Thế giới thì rất có khả năng dự án này sẽ không được gia hạn vay vốn. 

Cũng vậy, dự án Cải thiện môi trường TP.HCM – tiểu dự án Cải tạo thoát nước rạch Hàng Bàng (giải quyết tình trạng ngập cho bến xe Chợ Lớn, đường 3-2, Lãnh Binh Thăng…) do chậm tiến độ, chỉ thi công được một tuyến cống nên đã không được Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục tài trợ. Dự án gần như khai tử nếu thành phố không bỏ "tiền túi” khoảng 25 triệu USD để tiếp tục thực hiện…

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn n Niên cho rằng TP.HCM cần tập trung làm rốt ráo một - hai dự án để đánh giá rút kinh nghiệm. Các cơ quan chức năng của TP.HCM cần chuẩn bị sẵn cơ sở để đo đạc, đánh giá hiệu quả của dự án từ khâu đo mưa, mực nước… để so sánh với thiết kế nhằm rút ra những điều bổ sung và áp dụng cho các dự án khác. Có như vậy, TP mới giải quyết được tình trạng ngập một cách căn cơ mà không cần phải chờ đến năm 2020 theo quy hoạch.

Ngọc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.