Bán cảng Quy Nhơn với giá 'bèo'- Kỳ 3: Làm theo chỉ đạo?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
08/09/2018 10:00 GMT+7

Quá trình 'hô biến' cảng Quy Nhơn từ 100% vốn Nhà nước trở thành tài sản tư nhân được 'thông qua' với hàng chục văn bản từ cấp TƯ đến địa phương.

Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, thuộc Bộ GTVT) nhưng tại sao Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lại có văn bản xin chủ trương rồi lại hối thúc Bộ GTVT sớm triển khai quá trình cổ phần hóa để bán 25%, đến bán 51% rồi bán toàn bộ vốn nhà nước tại cảng này cho tư nhân?
Ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho rằng quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có sai phạm của nhiều cá nhân cần được làm sáng tỏ.
Ai muốn bán hết?
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định từ năm 2011 - 2014, có ký 2 văn bản liên quan quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Đó là các văn bản số 1115/UBND-KTN ngày 4.4.2013 gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc xin chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp; văn bản số 628/UBND-TH ngày 25.2.2014 gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Theo ông Lê Hữu Lộc, đầu tháng 4.2013, ông Nguyễn Văn Thiện (lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) đến gặp ông Lộc trao đổi rằng cảng Quy Nhơn rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định, nhưng lại đang quá tải, trong khi TƯ rất ít đầu tư vì ngân sách khó khăn. Vì vậy, cần cổ phần hóa để cảng Quy Nhơn có nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển cảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng theo ông Lộc, ông Nguyễn Văn Thiện nói việc này đã thống nhất với Bộ GTVT. Vì vậy, ông Lộc ký văn bản số 1115 xin chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Ngày 27.5.2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký công văn số 747/TTg-ĐMDN về việc chấp thuận phương án cho phép Vinalines chỉ còn nắm giữ 49% vốn điều lệ tại cảng Quy Nhơn. Công văn này căn cứ trên đề nghị của Bộ GTVT (văn bản số 2900 ngày 4.4.2013) và ý kiến Bộ Tài chính (văn bản 4991 ngày 23.4.2013).
“Tại sao văn bản số 1115 tôi ký ngày 4.4.2013 lại trùng với ngày Bộ GTVT có văn bản số 2900? Theo tôi nghĩ, văn bản 1115 chưa đến thì Bộ GTVT đã có văn bản trước đề nghị Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, văn bản của tỉnh không thể tác động đến văn bản của Bộ GTVT”, ông Lộc giải thích.
Ông Lộc cũng cho rằng việc ký văn bản số 628 cũng là "thực hiện theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Bộ trưởng Bộ GTVT…".
Ngày 1.1.2014, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc này là ông Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định. Sau đó, Bộ GTVT gửi thông báo số 06/TB-BGTVT ngày 6.1.2014 thông báo kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng về buổi làm việc với tỉnh Bình Định.
Thông báo có nêu nội dung về việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn: “Giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án CPH được duyệt trong quý 1/2014. Sau đó, giao Vụ Quản lý doanh nghiệp dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho các nhà đầu tư trong nước để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch được phê duyệt”.
Làm hàng tại cảng Quy Nhơn ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Lê Hữu Lộc khẳng định ông Nguyễn Văn Thiện sau đó đã chỉ đạo ông Lộc có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị sớm thực hiện ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT trong văn bản nói trên. Ông Lộc đã ký văn bản số 628/UBND-TH ngày 25.2.2014.
“Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT có đầy đủ Thường trực Tỉnh ủy Bình Định. Vì vậy, việc ký văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm thực hiện kết luận của bộ trưởng không phải là ý kiến cá nhân của tôi. Tuy nhiên, cảng Quy Nhơn trực thuộc Vinalines, nhưng với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tôi đã ký 2 văn bản đề nghị nêu trên là không đúng quy định”, ông Lộc thừa nhận.
Không thông qua Ban Thường vụ, hối thúc bán cảng
Tháng 6.2015, Vinalines tiếp tục bán 26,01% tỷ lệ sở hữu cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành và chỉ còn nắm giữ 49% vốn điều lệ.
Ngày 30.7.2014, Bộ GTVT có công văn số 9210/BGTVT-QLDN đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bán hết cổ phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Ngày 8.9.2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản 1652/TTg-ĐMDN đồng ý bán hết phần vốn của Vinalines tại cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước
Ngày 13.7.2015, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện ký văn bản số 1062-CV/TU gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, bán toàn bộ cổ phần của Nhà nước do Vinalines đang nắm giữ (49%) cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước.
Đến tháng 9.2015, Vinalines bán toàn bộ phần vốn còn lại cho Công ty Hợp Thành.
Ông Nguyễn Văn Thiện thừa nhận việc ký văn bản số 1062-CV/TU mà không thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định là vì bản thân “nôn nóng” muốn cảng Quy Nhơn tìm được nhà đầu tư chiến lược để đầu tư, nâng cấp hạ tầng, mở rộng cảng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng cấp địa phương thì không có quyền bán cảng Quy Nhơn, thẩm quyền bán cho ai, như thế nào... thuộc về Bộ GTVT.
Trao đổi với PV Thanh Niên trong chiều 7.9, ông Nguyễn Văn Thiện cho rằng vấn đề chính là tỉnh Bình Định mong muốn Bộ GTVT, Cục Hàng hải sớm đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng Quy Nhơn. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã báo cáo với Bộ GTVT sớm có phương án đầu tư cảng Quy Nhơn.
“Lúc đó, Bộ GTVT cho chủ trương cổ phần hóa nên chúng tôi chấp nhận. Nghe lãnh đạo Bộ nói cổ phần hóa để có nhà đầu tư chiến lược đầu tư hệ thống hạ tầng cảng Quy Nhơn hiện đại, thì chúng tôi rất mừng, nên sẵn sàng ủng hộ, để Bộ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn”, ông Thiện giải thích.
Ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho rằng ai đúng, ai sai trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn cần phải được làm rõ, trong đó có cả trách nhiệm của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trong giai đoạn này.
Tại sao ban đầu có văn bản quy định các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa như cảng Quy Nhơn thì Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ; nhưng sau đó lại có các văn bản đồng ý để Nhà nước nắm giữ còn 49% vốn điều lệ; sau đó lại tiếp tục đồng ý bán hết cổ phần của Nhà nước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.