Băn khoăn hoạt động khi hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/09/2018 07:07 GMT+7

Theo ông Phúc, văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.

Trình bày tờ trình về việc xây dựng đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND, UBND tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) vào hôm qua (18.9), Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay văn phòng hợp nhất là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tương đương cấp sở, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Về cơ cấu tổ chức, văn phòng sẽ có chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng. Chánh văn phòng được cơ cấu tham gia ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, TP nhưng không phải là thành viên HĐND và cũng không phải là thành viên UBND. Số lượng phó chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của 3 văn phòng trước khi hợp nhất trong thời gian thí điểm.
Từ sau 2020, số lượng phó chánh văn phòng tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư không quá 4 người; đối với TP.Hà Nội và TP.HCM không quá 5 người.
Theo ông Phúc, văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Chánh văn phòng điều hành toàn bộ công việc của văn phòng và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của trưởng, phó đoàn ĐBQH, thường trực HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND.
Văn phòng chung tương đối độc lập trong công tác tham mưu phục vụ hoạt động của từng chủ thể: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND. Các phó chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực đồng thời là thư ký HĐND, UBND và đoàn ĐBQH.
Giải trình thêm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình xây dựng đề án thì phương thức hoạt động và mối quan hệ là vấn đề khó. “Anh em cũng nói chuyện, ba con một cha thì dễ chứ ba cha mà một con thì khó lắm”, ông Phúc nói và cho biết, đề án chỉ đưa ra quy định chung về mối quan hệ sau này khi đi vào hoạt động rồi thì mới có quy chế cụ thể.
Theo đề án, việc thí điểm dự kiến sẽ triển khai ở 10 tỉnh, TP, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Tây Ninh và Tiền Giang trong thời gian từ ngày 1.1 - 31.12.2019, thực hiện theo năm ngân sách. Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, không có tỉnh nào xin thí điểm cả, thậm chí có tỉnh còn xin rút ra nên danh sách 10 tỉnh này được lựa chọn trên nguyên tắc, đảm bảo đại diện cơ cấu vùng, miền và đặc điểm của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.