Báo cáo lập hội đồng đánh giá việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/04/2019 12:49 GMT+7

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết đang báo cáo Chính phủ thành lập hội đồng khoa học Việt - Nga để đánh giá việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh .

Thông tin về hoạt động tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969 - 2019 tại cuộc họp báo quý 1 của Bộ Quốc phòng, sáng 2.4, thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho hay, quyết định giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định đúng đắn, sáng tạo thể hiện đạo lý truyền thống của người Việt Nam.
“Đó là ý Đảng, lòng dân, cũng là nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là quân, dân miền Nam trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta trong thời điểm hết sức cam go”, thiếu tướng Kiếm cho hay.
Theo ông Kiếm, việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua cũng thể hiện ý chí tự lập, tự chủ, độc lập tự cường, tiến tới làm chủ hoàn toàn trong nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính ủy Bộ Tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hay, công nghệ giữ gìn thi hài là một lĩnh vực mới mà trên thế giới chỉ có Liên Xô (cũ) và hiện là Nga có. Vận dụng công nghệ này cũng chỉ có Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Triều Tiên giữ gìn thi hài lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai nhà lãnh đạo này là ông Kim Jong il.
Thiếu tướng Kiếm nhìn nhận, thành công lớn nhất trong 50 năm qua là trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
“Qua các thời kỳ nhất định chúng ta đều có đánh giá về lĩnh vực này. Năm nay, chúng ta cũng có đánh giá. Hiện nay, chúng tôi đang báo cáo với Chính phủ để thành lập hội đồng khoa học Việt - Nga, bao gồm các nhà khoa học của cả 2 nước trong các lĩnh vực khác nhau để đánh giá, nhận định việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thiếu tướng Kiếm cho biết.

Làm chủ công nghệ giữ gìn thi hài Bác

Thiếu tướng Kiếm cũng cho biết, việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu có ý nghĩa quyết định. Trong 6 năm (1969 - 1975), thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được di chuyển 6 lần và được đưa về gìn giữ tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1975 sau khi lăng được khánh thành.
“Giai đoạn này chúng tôi phải nhờ chuyên gia Liên Xô hỗ trợ, đặc biệt là về y tế”, ông Kiếm nói và cho biết, trong nhiệm vụ y tế luôn có chuyên gia bạn làm trực tiếp.
“Các bạn làm bí mật, đặc biệt là việc sử dụng dung dịch, họ không để ta tiếp xúc. Nhưng may mắn là sau khi bạn làm xong thì việc vệ sinh lại giao cho Việt Nam. Chúng ta đã tận dụng dung dịch còn lại trên bông, gạc khi làm vệ sinh để nghiên cứu”, ông Kiếm chia sẻ.
Theo ông Cao Đình Kiếm, từ năm 1975 tới nay, đã có 57 triệu lượt người, trong đó có 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh Ngọc Thắng
Theo ông Kiếm, cho tới năm 1992, phía Nga mới đồng ý chuyển giao số dung dịch bảo quản thi hài cho Việt Nam. Đây là một việc cực kỳ quan trọng để công tác y tế không bị gián đoạn, tạo tiền đề, khả năng vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Tới năm 2003, qua nhiều lần đàm phán, phía Nga đã chính thức ký biên bản đồng ý pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Đến nay, chúng ta đã 15 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt sử dụng trực tiếp cho việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một nội dung quan trọng khác, theo thiếu tướng Kiếm là việc sản xuất bộ quần áo đặc biệt cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam. Theo đó, thực hiện chủ trương vươn lên làm chủ, giảm dần phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, chúng ta đã đàm phán đặt vấn đề với phía Nga chuyển giao công nghệ cho ta.
“Tới hiện nay, chúng ta đã xây dựng được dây chuyền sản xuất bộ quần áo này và bàn giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý, vận hành phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác”, ông Kiếm thông tin.
Ông Kiếm cũng giải thích, hiện nay, lịch viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ được bố trí vào buổi sáng, 1 tuần chỉ viếng 5 ngày vì ngày thứ 6 là thời gian làm thuốc thường xuyên. “1 năm phải nghỉ 3 tháng, trong đó có 1 tháng làm thuốc cho việc bảo quản thi hài Bác”, ông Kiếm nói.
Theo Chính ủy Bộ Tư lệnh lăng, việc tổng kết 50 năm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay còn có mục tiêu đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của cá thế lực thù địch. “Có ý kiến cho rằng, quyết định này không thực hiện di chúc của Bác nhưng phải khẳng định đây là quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, thể hiện mong muốn thiết tha của quân và dân ta”, ông Kiếm nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.