Cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17.4, ông Hà Ngọc Chiến cho biết, tại kỳ họp thứ 3 năm 2016, Quốc hội đã nghe báo cáo bước đầu về vấn đề này và trong báo cáo của Chính phủ cũng hứa sẽ tiếp tục báo cáo trước Quốc hội. Trong thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề nghị có báo cáo này.
"Đề nghị bổ sung báo cáo này cho các đại biểu nghiên cứu hoặc có thể báo cáo trực tiếp tại hội trường", ông Chiến đề xuất.
Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý bổ sung báo cáo này vào phần báo cáo gửi các đại biểu nghiên cứu. Cũng theo bà Ngân, một số dự án trong 12 dự án này đang có triển vọng rất tốt, đã khắc phục được tình trạng thua lỗ.
Kỳ họp ngắn nhất trong nhiều khóa Quốc hội
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra trong 19 ngày, từ 21.5 - 14.6. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng nghe báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; xem xét, thông qua các Nghị quyết về chương trình giám sát và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là kỳ họp có thời gian ngắn nhất trong các khóa của Quốc hội gần đây, nguyên nhân chủ yếu là có nhiều dự án luật đã rút khỏi chương trình.
Cải tiến chất vấn và trả lời chất vấn
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cải tiến chất vấn, tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, như đã thực hiện tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đề nghị cân nhắc hình thức chất vấn trực tiếp tại hội trường Quốc hội vì hình thức chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp mới chỉ thí điểm một lần và chất lượng trả lời tùy thuộc vào năng lực thuyết trình của từng bộ trưởng. "Nhiều bộ trưởng mặc dù chuẩn bị rất kỹ nhưng vào hội trường thì run", bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình cho rằng chỉ nên cải tiến từng bước theo hướng các đại biểu đặt câu hỏi chỉ trong 1 phút, bộ trưởng trả lời gọn trong 3 phút. Tuy nhiên, chưa thực hiện trả lời ngay mà 3 người hỏi 1 lần rồi bộ trưởng trả lời để các bộ trưởng có thời gian chuẩn bị.
"Hỏi 1 phút mà trả lời ngay có lẽ bộ trưởng sẽ lúng túng. Vì khác với phạm vi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại hội trường 500 người, hàng trăm nhà báo và hàng triệu cử tri theo dõi thì rất căng", bà Ngân nói.
Bình luận (0)