Báo chí cần tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội

21/06/2007 00:55 GMT+7

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2007), hôm qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau khi điểm lại chặng đường vẻ vang của báo chí cách mạng suốt 82 năm qua, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định công tác báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng. Bộ Chính trị vừa nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Đây cũng sẽ là nội dung được bàn và quyết định tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 họp đầu tháng 7 tới". Theo ông, việc Ban Chấp hành T.Ư Đảng dành thời gian thảo luận về một đề án, ra những quyết định cụ thể về hoạt động báo chí, công tác chỉ đạo và quản lý báo chí thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng đối với báo chí.

Về nhiệm vụ của báo chí trong thời kỳ mới, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần bám sát công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ, phát hiện những điển hình tiên tiến. "Báo chí cũng cần tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch", ông Sang nói.

Ông cũng yêu cầu báo, đài đầu tư thỏa đáng cho thông tin đối ngoại, mở rộng các sóng phát thanh, truyền hình ra nước ngoài, mở rộng giao lưu, hợp tác nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến các nước. Cuối bài phát biểu, ông Trương Tấn Sang cũng đề cập đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa kịp thời khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của báo chí.

* Hôm qua, phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Chính phủ đề nghị sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại tất cả các tỉnh, thành phố với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Ban này sẽ có 8 thành viên là đại diện của các cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị này và thống nhất sẽ trình Quốc hội sửa điều 73 và 74 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 12.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.