Sáng 8.8, Bộ Y tế đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội về việc chống dịch tại thủ đô, khi Hà Nội đã có 6 ca bệnh trong đợt dịch này và có khoảng 100.000 người trở về từ Đà Nẵng.
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa để bảo vệ bằng được thủ đô trước dịch bệnh.
Xét nghiệm cho 75.000 người về từ Đà Nẵng
Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Trương Quang Việt cho biết hãng tài trợ đã cam kết cung cấp thêm 7 máy Realtime-PCR và 2 máy tách chiết, đảm bảo từ thứ ba trở đi có thể nâng công suất xét nghiệm lên tối đa 3.000 - 3.200 test/ngày. Các hãng cũng hỗ trợ 6 nhân lực vận hành máy, là kỹ thuật cao của hãng. Hà Nội đã rà soát số người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15 - 29.7 là khoảng 75.000 người.
Hà Nội dự kiến lấy mẫu xong trong 10 ngày, bắt đầu từ 10.8. Theo ông Việt, Hà Nội cũng không lấy mẫu đồng loạt như lần trước, mỗi huyện chỉ tổ chức 5 - 10 điểm lấy mẫu vì kỹ thuật khó, không thể làm tràn lan. Theo kế hoạch, TP sẽ bố trí nhân lực lấy mẫu, nhưng không đủ khả năng test hết số mẫu lớn như vậy. Do đó, Bộ Y tế đã triệu tập lãnh đạo của 4 đơn vị được chỉ định hỗ trợ Hà Nội là Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Đại học Y và BV Nhi T.Ư.
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội và có thể đẩy số mẫu lên tối đa 4.000 mẫu/ngày. Theo GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện có thể hỗ trợ Hà Nội khoảng 300 mẫu/ngày, vì ngoài Hà Nội, Viện cũng phải hỗ trợ xét nghiệm các tỉnh phía bắc khác. Tuy nhiên, sau phát biểu này của ông Đức Anh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị tăng cường tối đa công suất cho Hà Nội, nên đề nghị Viện hỗ trợ 1.000 mẫu/ngày và BV Bạch Mai hỗ trợ 4.000 mẫu/ngày.
“Tôi đã đảm bảo với Thủ tướng là dù các anh có hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm bao nhiêu đi nữa thì cũng không thiếu”, ông Long nói.
Xét thấy số lượng mẫu của Hà Nội dự kiến khoảng 75.000 là tương đối lớn, nếu xét nghiệm từng mẫu một như trước sẽ rất tốn kém, GS Đặng Đức Anh đề nghị xét nghiệm theo nhóm hoặc gộp vào. “Theo tính toán của chúng tôi, có tham khảo WHO và CDC Mỹ, thì có thể gộp được 5 mẫu 1 đợt, vừa giúp giảm thời gian, sinh phẩm và vẫn đảm bảo chính xác. Nếu mẫu gộp dương tính thì sẽ làm lại cả 5 mẫu, mẫu gộp âm tính thì thôi”.
GS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư, lưu ý: “Từ ngày 7.7 đến nay là 4 tuần, nếu có người đã mắc và đã khỏi, giờ làm PCR tất là âm tính, nhưng 2 tuần trước đã lây cho người khác, ta sẽ lọt mất F1. Do đó, đề nghị làm test Elisa để tìm kháng thể với những người trở về từ giai đoạn 7 - 15.7”.
Bảo vệ các bệnh viện là cực kỳ quan trọng
GS Nguyễn Viết Nhung cũng nhấn mạnh, hiện nay, mảng bảo vệ các BV là cực kỳ quan trọng, khi mà cộng đồng đã nhiều người nhiễm bệnh. Đồng ý quan điểm này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Bài học đợt trước là vừa mới “chiến đấu”, BV Bạch Mai đã bị “knock-out”. Đợt này, vừa mới bắt đầu thì 4 BV khỏe nhất, giỏi nhất, mạnh nhất của Đà Nẵng “knock-out”. Những khoa bệnh nhân (BN) có bệnh nền nặng nhất, nguy hiểm nhất bị nhiễm đầu tiên và dẫn đến tử vong. Đó là các bài học mà chúng ta phải nhìn vào để rút kinh nghiệm ở các TP lớn”.
Ông Khuê cho biết vừa rồi quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với bảo hiểm xã hội, cho phép tất cả những ca nghi ngờ, ho, sốt, khó thở, có triệu chứng cúm… vào tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, dù liên quan vùng dịch hay không, đều được xét nghiệm PCR và được bảo hiểm thanh toán.
“Với BN có bệnh nền, chúng ta có BV Ung bướu, BV Thận… mà có khoa cấp cứu hoặc các khoa hồi sức phải cực kỳ quan tâm. Để lọt 1 trường hợp nào đó là rất nguy hiểm. Ngày mai, chúng tôi sẽ cùng Hà Nội kiểm tra một số BV xem quy trình khám bệnh, cách ly… thế nào. Trong văn bản của Bộ cũng nhấn mạnh, nếu giám đốc nào, trưởng khoa nào lơ là có thể tạm đình chỉ”, ông Khuê nêu ý kiến.
T.Ư sẽ có hướng dẫn về mua sắm
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Bộ Y tế 5 vấn đề, trong đó vẫn có việc giảm thiểu thủ tục mua sắm, vì trước mắt Hà Nội sẽ phải khẩn trương mua que vận chuyển mẫu. “Nếu được Bộ hỗ trợ, làm việc với các đơn vị cung cấp trong nước hình thành khung giá mua số lượng nhiều, rút ngắn thủ tục, là đơn giản nhất. Nó cũng giúp địa phương thanh toán được việc mua sắm trong giai đoạn 1, vì giai đoạn 1 chỉ có Việt Á sản xuất được kit test thôi, lúc đó chúng ta không có con đường nào khác (ngoài mua của Việt Á) cả”, ông Chung đề nghị.
Đáp lại kiến nghị, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đã coi Hà Nội là vùng nguy cơ cao, vì có gần 100.000 người từ Đà Nẵng trở về. “Chúng tôi coi Đà Nẵng là tâm dịch, nên các đối tượng này đều có nguy cơ lây nhiễm nhất định. Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ TP xét nghiệm thật nhanh theo phương pháp PCR, đồng thời giao cho 4 đơn vị chính sẽ tiến hành xét nghiệm 70.000 mẫu cho Hà Nội. Ngay chiều nay, các đồng chí gửi mẫu về các cơ quan này. Tốc độ xét nghiệm của T.Ư sẽ rất nhanh, vấn đề còn lại là tốc độ lấy mẫu và điều phối mẫu giữa các đơn vị. Đề nghị TP giao Sở Y tế kết hợp chặt chẽ với các cơ sở của Bộ”, ông Long nói.
Ngoài ra, theo kiến nghị của GS Nguyễn Viết Nhung, ông Long đồng ý lấy mẫu máu để làm xét nghiệm Elisa, tức là phản ứng hấp thụ men để xem cơ thể người đó có miễn dịch không, với những người đi Đà Nẵng từ ngày 7 - 15.7, tổng cộng 22.000 mẫu. Các cơ sở T.Ư cũng sẽ hỗ trợ Hà Nội làm xét nghiệm này.
“Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới có xét nghiệm này, do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cùng một đơn vị nữa phát triển, độ chính xác rất cao. Những mẫu này có thể triển khai sau, trước mắt xét nghiệm PCR phải làm thật nhanh. Nếu đồng chí Chung chỉ đạo lấy được mẫu trong 3 ngày, thì T.Ư có thể làm xong trong 3 ngày. Còn về tiền bạc, anh Hiền (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền - PV) không phải lo đâu, Bộ sẽ giao trách nhiệm cho các đơn vị, TP cứ yên tâm”, quyền Bộ trưởng Y tế nói.
“Quan điểm của Bộ Y tế là phải giữ bằng được thủ đô, bởi thủ đô mà lây nhiễm mạnh thì cũng tác động đến các cơ quan T.Ư và Bộ Y tế cũng bị tác động. Đề nghị các BV hỗ trợ tối đa cho Hà Nội. Chúng tôi cũng rút một số chuyên gia kỳ cựu của chúng tôi từ Đà Nẵng về hỗ trợ Hà Nội trong giai đoạn tới đây”, ông Long nhấn mạnh thêm.
Về vấn đề hậu cần, mua sắm, ông Long cho biết, “T.Ư sẽ có hướng dẫn”. “T.Ư đã có gợi ý hướng dẫn rồi, các đồng chí căn cứ theo luật Đấu thầu, chỉ định thầu theo quy định và T.Ư cũng sẽ có đàm phán tập trung. Nhưng chúng ta không trông chờ việc đàm phán hay mua sắm tập trung mà phải triển khai ngay”, ông Long nói.
Gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2Ngày 8.8, Bộ Y tế cho biết đã ban hành “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2”, áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc, trong thời gian có dịch Covid-19, thực hiện tại các phòng xét nghiệm Covid-19 đủ năng lực, sử dụng quy trình xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện kháng nguyên của vi rút SARS-CoV-2.
Hướng dẫn tạm thời này được xây dựng với các quy trình lấy mẫu, gộp mẫu bệnh phẩm (5 mẫu cho 1 nhóm) nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm, giảm thời gian, tăng công suất xét nghiệm và vẫn bảo đảm chất lượng, hỗ trợ thực hiện giám sát dịch tễ, xét nghiệm chẩn đoán mắc Covid-19. Gộp mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ có một số hạn chế như có thể phải quay lại nhóm đối tượng có kết quả mẫu gộp dương tính SARS-CoV-2 để lấy lại mẫu làm xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ dương tính của cộng đồng thấp thì việc này không gây ảnh hưởng nhiều. Các địa phương, đơn vị phải thường xuyên đánh giá diễn biến của dịch bệnh để xem xét việc triển khai gộp mẫu cho phù hợp với tình hình dịch.
Liên Châu
|
Bình luận (0)