"Con đường đau khổ"
Sau khi dừng lại trạm thu phí cầu Phú Mỹ mua vé “thông hành”, tài xế xe đầu kéo container biển số 57K-6730 cho xe chạy chậm trên con đường đầy “ổ voi”, “ổ gà”.
Chiếc xe đầu kéo chở theo container hàng tải trọng gần 30 tấn chao đảo phát ra những tiếng động đinh tai, khô khốc.
Bỗng “cụp”... chiếc xe khựng lại vì vừa sập “bẫy” một “ổ voi” kéo ngang đường.
Tài xế xe 57K-6730 cho biết những tai nạn như thế xảy ra như cơm bữa. Có hôm, do sập ổ voi, một xe chở container đã lật ngang đường làm tài xế chết ngay tại chỗ.
|
Anh Nguyễn Văn Đức, một người buôn bán dọc đường dẫn lên cầu Phú Mỹ kể, từ khi cây cầu được đưa vào khai thác đến nay, anh từng chứng kiến rất nhiều vụ người điều khiển xe máy “đo đường” vì sập “ổ gà”, “ổ voi” trên đoạn đường này.
“Người lạ lớ ngớ chạy qua đây với tốc độ hơi nhanh coi chừng chết như chơi, đặc biệt là vào ban đêm và lúc tờ mờ sáng” - anh Đức nói.
Dù chỉ mới được đưa vào khai thác hơn 1 năm nay nhưng đoạn đường dẫn lên cầu Phú Mỹ phía Q.2 xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn nhựa đường bong tróc, sụt lún.
Khái niệm “đường chờ lún” đang được một số người làm trong ngành giao thông lợi dụng.
|
|
Thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên khoa cầu đường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM . |
Khi có những trận mưa lớn, đường lầy lội, đọng nước ẩn chứa phía dưới là những “ổ voi” to tướng đối ngược với hình ảnh cao vút, ngạo nghễ của cây cầu dây văng bắc ngang sông Sài Gòn có thiết kế hiện đại.
Chính vì xe cộ đi qua đoạn đường này thường xuyên dính “bẫy”, hư hỏng nên PV Thanh Niên Online bắt gặp rất nhiều số điện thoại của những thợ sửa xe lưu động. Một tờ giấy niêm yết ngay trạm gác dưới chân cầu Phú Mỹ đề: “Chuyên vá xe, sửa xe honda lưu động. ĐT (điện thoại): 09065277...”.
Tính từ trạm thu phí cầu Phú Mỹ, có ít nhất hai xe ô tô chở theo thiết bị chuyên dụng thường xuyên có mặt trên đường sẵn sàng nhận sửa chữa xe hư hỏng.
Anh Tú, một thợ sửa xe cho biết, mỗi ngày, có khoảng 10-15 “khách hàng”. Xe thường hỏng nhất là bị nổ lốp, hư vỏ, gãy nhíp... Với xe bị gãy nhíp, tính “sơ sơ”, anh Tú cũng thu được 2-5 triệu đồng/xe.
“Ngày nào cũng có xe bị gãy nhíp. Làm thợ, nếu nói không mong có xe hư để sửa là dối lòng nhưng cũng “đau” thay cho tài xế, chủ xe vì mỗi lần gãy nhíp, chi phí sửa chữa rất mắc” - anh Tú tâm sự.
Đường xấu vẫn phải đóng phí
Một trong những mục tiêu khi dự án cầu Phú Mỹ được UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư là kết nối vành đai giao thông theo hướng đông-tây. Từ đó, kéo giảm lượng xe lưu thông, giảm áp lực kẹt xe, tai nạn giao thông cho xa lộ Hà Nôi; giảm mật độ xe tải, xe chở container lưu thông vào nội thành để bốc, dỡ hàng hóa ở các cảng phía Q.4, Q.7...
Nhưng tính đền thời điểm này, mục tiêu nói trên chưa thành hiện thực.
Lượng xe qua hướng cầu Phú Mỹ thấp mặc dù từ ngã ba Cát Lái, nếu lưu thông qua hướng cầu Phú Mỹ để giao, nhận hàng ở các cảng phía Q.4, Q.7 (cũng như lưu thông về các tỉnh miền Tây), quãng đường ngắn hơn rất nhiều so với lưu thông theo hướng xa lộ Hà Nội.
|
Mặt khác, khi đi qua cầu Sài Gòn (nếu đi theo hướng xa lộ Hà Nội), các phương tiện vận tải hàng hóa, container còn bị hạn chế tải trọng và không được phép lưu thông vào nội thành trong giờ cấm.
Thực tế, từ khi được phép thu phí (3.2010) đến nay, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ) luôn than lỗ. Thậm chí, công ty này còn “đòi” trả lại cầu Phú Mỹ cho UBND TP.HCM quản lý, khai thác.
“Vì sao chủ xe, doanh nghiệp không chọn đường ngắn để đi mà phải chọn đường vòng?”, ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Thành (Q.7) chia sẻ: “Vẫn biết đi hướng cầu Phú Mỹ sẽ tiết kiệm được tiền xăng dầu hơn so với đi theo hướng xa lộ Hà Nội nhưng đoạn đường dẫn lên cầu Phú Mỹ quá xấu, quá nguy hiểm vì toàn ổ voi, ổ gà... Nếu sơ ý sập “bẫy”, đi tong 4-5 triệu đồng tiền thay nhíp, chưa kể phí thuê xe cứu hộ”.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM bức xúc: “Điều hết sức vô lý là hiện nay các xe vận tải đi qua cầu Phú Mỹ và tuyến đường dẫn này đang phải nộp phí dịch vụ đường bộ cho Trạm thu phí của Công ty Cổ phần Đầu Tư Phú Mỹ nhưng lại phải đi trên một tuyến đường có chất lượng quá xấu”.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, trước đây đã từng xảy ra những vụ tai nạn dẫn đến chết người một cách oan uổng, đau lòng do sự thiếu trách nhiệm của các bên có liên quan trên đoạn đường dẫn này.
Ông Đinh Nam Dinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cho biết, sự xuống cấp của tuyến đường dẫn lên cầu Phú Mỹ đã xảy ra từ lâu.
Hiệp hội cũng đã có công văn kiến nghị với Công ty Cổ phần đầu tư - xây dựng Phú Mỹ đề nghị sớm khắc phục nhưng việc duy tu, sửa chữa chỉ mang tính chất chắp vá tạm thời, không bảo đảm được chất lượng an toàn cho người và phương tiện vận tải đi qua.
Hiện nay, trên đoạn đường dẫn lên cầu Phú Mỹ (phía Q.2), PV Thanh Niên Online ghi nhận có cắm nhiều bảng “đường chờ lún”. Thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên khoa cầu đường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, khái niệm “đường chờ lún” đang được một số người làm trong ngành giao thông lợi dụng. Theo thạc sĩ Sanh, đứng về mặt kỹ thuật phải tính toán độ lún và thời gian lún trước khi đưa công trình vào sử dụng. Ngay cả, các văn bản của ngành giao thông, cũng không có quy chuẩn nào cho phép tồn tại cái gọi là khái niệm “đường chờ lún”. Thực trạng “đường chờ lún” thể hiện sự bế tắc của bên thiết kế, khảo sát, xây dựng công trình giao thông. Về việc xuống cấp của đường dẫn cầu Phú Mỹ, thạc sĩ Sanh nhận định: kết cấu mặt đường không cao, lún không nhiều mà chủ yếu do hư hỏng mặt đường hay nói cách khác, mặt đường của đoạn đường dẫn vào cầu Phú Mỹ có chất lượng xấu. “Lẽ ra, Sở GTVT TP.HCM phải nghiệm thu, đảm bảo chất lượng mới đưa vào sử dụng” - thạc sĩ Sanh nói. |
Trần Duy
Bình luận (0)