Bé gái bị chó cắn rách mặt, phải dùng hơn 7 m chỉ may vết thương

27/10/2015 18:02 GMT+7

(TNO) Để may vết thương do bị chó cắn trên mặt bé gái, các bác sĩ đã phải dùng đến 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm. Các bác sĩ cho biết chưa gặp ca nào phải dùng nhiều chỉ đến như vậy.

(TNO) Để may vết thương do bị chó cắn trên mặt bé gái, các bác sĩ đã phải dùng đến 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm. Các bác sĩ cho biết chưa gặp ca nào phải dùng nhiều chỉ đến như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết thông tin trên vào chiều nay (27.10).

Nạn nhân bị chó cắn là bé gái L.L.K. chỉ mới 8 tuổi, nặng 20 kg, nhập viện khuya 26.10. Con chó cắn em K. cũng nặng đến 20 kg.

Bé gái nhập viện trong tình trạng bị chó cắn nát mặt với hơn 15 vết thương lớn nhỏ. Trong đó, theo bác sĩ Hằng, có 5 vết thương trầm trọng, rất sâu và dài. Vết thương dài nhất đến 12 cm. Bé bị chó cắn rách cả vùng má phải, lộ cả xương hàm.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hằng cho biết, vết thương do chó cắn rất dơ. Khi nhập viện cấp cứu, phải có đến 3 người liên tục rửa vết thương cho bé trong vòng 1 giờ.

Đến chiều nay (27.10), bệnh nhi đã được phẫu thuật may các vết thương trên khuôn mặt.

“Má phải của bé rách bong ra hết, thấy cả hàm răng, vết cơ, vết mỡ, kéo dài đến mang tai. Chúng tôi phải rất vất vả may đến 3 lớp trong suốt 3 giờ mới nối liền các vết rách trên mặt bé”, bác sĩ Hằng nói.

Theo bác sĩ Hằng, các bác sĩ đã phải dùng đến 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm (tổng cộng 7,5 m chỉ). Chưa có ca nào phải may nhiều chỉ như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thêm: Sau phẫu thuật, sức khỏe bé đã ổn định, hôm nay phải truyền dịch nhưng đến ngày mai bé có thể uống sữa và một ngày sau đó có thể ăn cháo. Với vết thương chó cắn thì vấn đề tiếp theo các bác sĩ đặc biệt chú ý là nguy cơ nhiễm trùng vì hàm răng cắn và bàn chân của con chó cào vào mặt bé rất dơ (là cả ổ vi trùng).

Bé không có nhiều di chứng về các chức năng nhai, thở nhưng lại bị ảnh hưởng rất lớn về thẩm mỹ trên gương mặt. Bệnh nhi phải đối mặt với sẹo và có phẫu thuật thẩm mỹ tốt, làm đẹp đến đâu cũng không thể trở về khuôn mặt như ban đầu.

“Mặt khác, nếu vết chó cắn bị đứt dây thần kinh trên mặt thì có thể bị liệt mặt, mặt méo, mắt nhắm không kín, miệng méo; ảnh hưởng vận động trên khuôn mặt, rất khó phục hồi, hạn chế các biểu cảm trên khuôn mặt”, bác sĩ Đẩu nói thêm.

Theo người nhà bệnh nhi, con chó cắn bé là chó nhà. Bé vẫn rất thân và thương yêu con chó này. Con chó hôm đó chạy ra đường cắn nhau với chó khác, bị một vết thương ở chân. Bé thương và ôm con chó thì vô tình đụng vào vết thương, làm chó đau, quay sang cắn vào mặt bé. 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 một lần nữa khuyến cáo các gia đình cần đặc biệt cẩn trọng khi có trẻ nhỏ trong nhà mà nuôi chó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.