Cân nhắc với nhận định “ủ bệnh cả tháng”
Lý giải về trường hợp bệnh nhân (BN) 852, một bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, sau 2 lần đầu xét nghiệm âm tính, đến lần thứ 3 mới dương tính, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho rằng nhận định BN “ủ bệnh cả tháng” là không đúng. Vì thời kỳ ủ bệnh của BN là 14 ngày và trong thời gian đó lịch sử tiếp xúc rất nhiều nguồn. Những trường hợp như BN 852 là do cơ quan chức năng chưa phân tích kỹ được những nguồn lây bệnh khác. “Quy trình 14 ngày cách ly theo dõi là theo quy chuẩn của chuyên gia, chuẩn quốc tế, sau đó là của Bộ Y tế chỉ định. Không phải tự mình đưa ra con số 14 ngày. Đà Nẵng vẫn làm theo quy trình chuẩn của Bộ Y tế”, bà Yến nói.
TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Theo bác sĩ Cấp, quá trình âm thầm nhân lên của vi rút là “thời gian ủ bệnh”. Trong thời gian này, do vi rút chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính, và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các BN là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.
TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với một số ít trường hợp phát hiện nhiễm vi rút sau 3 lần xét nghiệm chưa phải là bất thường, chưa là yếu tố khẳng định vi rút đó biến đổi. “Hiện, vẫn thực hiện cách ly 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Nga nói.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các nghiên cứu về gien của SARS-CoV-2 trên các BN tại VN hiện chưa ghi nhận có biến đổi liên quan đến độc lực. Vi rút này hiện mới được xác định có biến đổi về gien với khả năng lây lan nhanh hơn.
Tăng cường tầm soát trong bệnh viện
Trước tình hình lây nhiễm phức tạp của dịch Covid-19, ngày 19.8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã có văn bản yêu cầu giám đốc các sở y tế, các BV tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo BCĐ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Đà Nẵng đã phát hiện nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người mắc bệnh. Một số địa phương khác cũng đã xuất hiện các ca nhiễm liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và những ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.
BCĐ đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành; thực hiện sàng lọc, cách ly và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm ca bệnh nghi ngờ theo quy định cho người bệnh, người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh đó tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng; đồng thời chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, những người đi từ vùng dịch về hoặc những người có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp, để phát hiện sớm, cách ly phù hợp theo quy định. Ngoài ra, mọi khoa lâm sàng phải có buồng cách ly tạm thời người bệnh nghi nhiễm trong quá trình điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ. Các BV bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa trọng điểm như: khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp 1 tại các khoa lâm sàng khác. Tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn hiện nay. Các cơ sở khám, chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh.
Bình luận (0)