Đây là ngày làm việc thứ 2 của phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (OceanBank).
Theo cáo trạng, bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, và các thành viên của PVN như nguyên kế toán trưởng Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn,… đã có hành vi làm trái quy định, lạm dụng chức vụ gây thiệt hại cho PVN 800 tỉ đồng.
Trong phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát (VKS) “truy” trách nhiệm đứng đầu của bị cáo Đinh La Thăng trong vụ việc trên, bị cáo này quanh co, không đi thẳng vào câu hỏi, khiến đại diện VKS phải liên tục phải nhắc nhở.
Khi đại diện VKS truy 800 tỉ đồng góp vốn liệu có thu hồi được không? Bị cáo Thăng đáp: “Tháng 11.2011, bị cáo không còn ở PVN nên trách nhiệm trả lời thu hồi hay không thu hồi không phải của bị cáo”.
Liên quan đến ‘nút thắt’ của vụ án là việc xin ý kiến Thủ tướng (thời điểm góp vốn - PV) hay chưa, đại diện VKS và bị cáo Thăng đối đáp khá gay gắt. Được hỏi “khi làm Chủ tịch hội đồng quản trị PVN, bị cáo ký quyết định 7289 ngày 1.10.2008 góp vốn vào PVN có xin ý kiến Thủ tướng chưa?”, bị cáo Thăng trả lời: 7289 không phải quyết định đầu tư mà chỉ là quyết định xin chủ trương đầu tư ra ngoài công ty mẹ PVN, góp vốn vào OceanBank. Sau khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới tiếp tục các khâu còn lại, như ra quyết định đầu tư và thực hiện. “Nghị quyết 7289 chỉ có giá trị khi thực hiện. Và nghị quyết này đã được Thủ tướng đồng ý thì PVN sau đó mới quyết định mua cổ phần”.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, đây bản chất là nghị quyết đầu tư để PVN góp vốn vào Oceanbank. Cụ thể, ngày bị 1.10.2008, bị cáo Đinh La Thăng đã ký ban hành, trong khi sau đó, Thủ tướng mới có ý kiến về Nghị quyết.
Đáp lại, bị cáo Thăng vẫn khẳng định Hội đồng quản trị chỉ thống nhất về việc báo cáo Thủ tướng xin mua cổ phần của OceanBank. Sau khi Thủ tướng đồng ý thì Tập đoàn mới thực hiện.
"Chỉ sau khi Thủ tướng đồng ý thì Tập đoàn mới ra quyết định đầu tư”
Đại diện VKS tiếp tục truy: “Phiên toà hôm qua, bị cáo nói Nghị quyết 7289 mới là chủ trương. Tại khoản 1, điều 1 của của nghị quyết có nêu Hội đồng quản trị thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần tăng vốn của OceanBank. Như vậy, khi ký nghị quyết thống nhất chủ trương góp vốn mà chưa được Thủ tương đồng ý là đúng hay sai?”
Bị cáo Thăng phản hồi: “Nghị quyết có nhiều nội dung, trong đó có nội dung thống nhất chủ trương giao Tổng giám đốc báo cáo kết quả tài chính của OceanBank. Nghị quyết đó chưa phải là quyết định đầu tư mà phải tiếp tục báo cáo. Nó chỉ có hiệu lực trong nội bộ Tập đoàn và được triển khai khi đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng”.
Khi đại diện VKS hỏi Nghị quyết đó có căn cứ vào ý kiến của Thủ tướng không? Bị cáo Thăng vẫn quả quyết: “Nghị quyết đó chưa cần ý kiến của Thủ tướng và nó chưa phải nghị quyết để quyết định tham gia đầu tư góp vốn. Chỉ sau khi Thủ tướng đồng ý thì Tập đoàn mới ra quyết định đầu tư”.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại diện VKS về việc quyết định đầu tư đó được Hội đồng quản trị ban hành khi nào, số bao nhiêu, bị cáo Thăng trình bày quyết định đó do “Tổng giám đốc ban hành. Chủ tịch Hội đồng quản trị là bị cáo lúc đó không ra nghị quyết mà các thành viên HĐQT chỉ ký vào tờ trình của Tổng giám đốc”.
Bình luận (0)