Bi hài chuyện gửi xe: Phải tăng cường công tác quản lý

27/03/2011 00:45 GMT+7

Quan trọng nhất là bổ sung những quy định nhằm trám những lỗ hổng trong việc quản lý các bãi giữ xe hiện nay, đồng thời phân định lại trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng...

 

Thẻ gửi xe thông minh ở siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng  - ảnh: L.N

 Tăng tiền ký quỹ

Theo Quyết định số 22/1990 của UBND TP.HCM về thủ tục đăng ký kinh doanh đối với giữ xe 2 bánh trên địa bàn thành phố (vẫn còn hiệu lực), thì chủ giữ xe khi đăng ký giấy phép kinh doanh phải ký quỹ 5 triệu đồng. Số tiền ký quỹ này được cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương dùng để bồi thường nếu có mất mát xảy ra mà chủ giữ xe không có khả năng bồi thường. Thế nhưng, từ khi chuyển giao việc cấp phép kinh doanh về cho các quận, huyện phụ trách thì việc ký quỹ này hầu như bị quên lãng, mặc dù nhiều người thừa nhận việc buộc ký quỹ là cần thiết.

UBND phường đã có thẻ giữ xe

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh về việc giữ xe “vô hình” tại trụ sở UBND P.2, Q.10, ngày 24.3, ông Võ Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường, cho biết đã thuê người trông xe (kèm thẻ giữ xe) miễn phí cho người dân khi đến giao dịch tại phường. Ngoài ra, theo ông Thanh, để giải bài toán giữ xe tự phát gây bất an cho dân ở các lô chung cư Ngô Gia Tự, sắp tới phường kiến nghị UBND Q.10 cho phép kêu gọi xã hội hóa đầu tư, xây dựng thêm một bãi giữ xe ở khu vực trung tâm chung cư.

Một lãnh đạo UBND Q.10 cho biết sẽ chỉ đạo các phường rà soát tính pháp lý của các bãi giữ xe, từ đó đề ra giải pháp, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý các điểm giữ xe trên địa bàn quận. Trước mắt, quận yêu cầu các chủ giữ xe, kể cả các điểm giữ xe miễn phí tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các điểm giữ xe tự phát tại các khu dân cư, chung cư trên địa bàn, khi giữ xe phải đưa vé cho người gửi.

Bên cạnh đó, trao đổi với chúng tôi ngày 24.3, một số cán bộ phòng kinh tế - cơ quan tham mưu UBND quận, huyện cấp phép đăng ký kinh doanh loại hình kinh doanh giữ xe - cho rằng số tiền ký quỹ này đã quá lạc hậu với thực tế hiện nay. “Nếu vào thời điểm năm 1990, số tiền 5 triệu đồng có giá trị tương đương chiếc xe Dream, thì nay không đủ mua chiếc xe… đạp điện, chứ đừng nói đến xe gắn máy”, một cán bộ UBND Q.1, nói.

Do đó, nhằm đảm bảo việc bồi thường khách hàng khi có mất mát xảy ra, ông Vũ Anh Khoa, Trưởng phòng Kinh tế Q.10, đề nghị Sở Tài chính cần xem xét, tham mưu UBND TP nâng mức tiền ký quỹ khi đăng ký kinh doanh bãi giữ xe lên ít nhất từ 20 - 40 triệu đồng/hộ kinh doanh.

Luật sư Trương Lê Minh Trí (Văn phòng luật sư Trương Minh Sang) đề xuất Nhà nước phải tăng cường công tác quản lý các bãi xe, kể cả những bãi xe thuộc các nhà hàng, quán xá, khách sạn, cao ốc, trung tâm vui chơi giải trí mà có số lượng xe đông, xử phạt thật nặng các trường hợp vi phạm. “Phải bắt buộc những nơi này xin giấy phép giữ xe, vừa đảm bảo được tài sản của người dân, vừa ổn định an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Song song đó, muốn được cấp phép giữ xe thì phải ký quỹ một số tiền tương đương giá trị một chiếc xe loại khá hoặc bắt buộc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp để lấy đó làm cơ sở bồi thường khi có mất mát xảy ra. Chứ hiện nay, án có hiệu lực không thi hành được đầy rẫy, làm cho việc thực thi pháp luật ngày càng yếu kém. Chỉ khổ cho người dân”, luật sư Trí nói.

Thống nhất thẻ giữ xe

Mặt khác, theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty luật TNHH MTV Biển Đông) vấn đề đặt ra là hiện nay thẻ gửi xe mỗi nơi làm một kiểu, thậm chí giữ xe bằng miệng (không thẻ) và ít có dấu hiệu đặc trưng có giá trị pháp lý để làm căn cứ xác định thẻ đó do chủ bãi giữ xe, chủ quán nơi tổ chức giữ xe (gọi chung là chủ bãi) phát hành. Khi xảy ra việc mất xe, nếu chủ bãi thừa nhận thì mọi chuyện đơn giản, thế nhưng, nếu họ không thừa nhận thì mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều, mà phần thua thiệt thường thuộc về người gửi xe. Bên cạnh đó, nhiều bãi xe có giấy phép, có mua phiếu giữ xe ở cơ quan thế nhưng thẻ được tẩy xóa, dùng đi dùng lại cho nhiều chiếc xe khác nhau, thậm chí có nơi mua cho có còn thực tế lại dùng thẻ khác. Việc này vừa làm thất thu thuế cho Nhà nước (hiện nay thu thuế 33% trên số phiếu đã dùng). “Theo tôi, nên chăng cho các hộ giữ xe tự làm thẻ giữ xe, nhưng phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để khi xảy ra tranh chấp, căn cứ vào mẫu thẻ đó mà phân định trách nhiệm. Nhà nước vừa không phải tốn chi phí in ấn, vừa dễ quản lý”, luật sư Đức đề nghị.

Tán đồng quan điểm này, ông Cao Văn Phần, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, đề nghị TP cần quy định thống nhất vé giữ xe (có thể để đơn vị, các hộ kinh doanh tự in), trên đó thể hiện rõ những thông tin mang tính ràng buộc, như: tên đơn vị, cơ quan, hộ kinh doanh, địa chỉ, mệnh giá gửi xe… Điều quan trọng nữa là khi đưa xe vào bãi gửi dù ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh nào, người gửi xe cũng phải nhớ yêu cầu bên giữ xe cung cấp vé giữ xe. “Bởi đó là sự giao kết cần thiết, thể hiện rõ việc bên giao và bên nhận tài sản và là cơ sở quan trọng giải quyết việc bồi thường khi có mất mát xảy ra”, vị cán bộ này nói.

Ngoài ra, nhìn nhận công tác quản lý các bãi giữ xe còn không ít lỗ hổng như Báo Thanh Niên đã đặt ra trong loạt bài Bi hài chuyện gửi xe, một số cán bộ UBND quận, huyện trên địa bàn TP cũng đề nghị TP phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý các bãi giữ xe, không để diễn ra tình trạng quản lý “cắt khúc” như thời gian qua: Phòng kinh tế chỉ có nhiệm vụ tham mưu UBND quận cấp phép đăng ký kinh doanh; UBND các phường quản lý về mặt nhà nước các bãi giữ xe trên địa bàn; vé giữ xe do chi cục thuế quận, huyện phát hành; còn hậu kiểm tra là trách nhiệm của đoàn kiểm tra liên ngành… “Nên chăng gom về một đầu mối để tránh tình trạng ông đổ qua, bà đổ lại, thả nổi như hiện nay”, ông Vũ Anh Khoa nói. 

Lê Nga - Minh Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.