Bí thư Đà Nẵng: Hệ thống công quyền có bao nhiêu người nhà bí thư, chủ tịch?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
17/04/2018 14:11 GMT+7

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đặt câu hỏi như vậy tại buổi làm việc với Quận ủy Cẩm Lệ vào sáng 17.4.

Theo ông Nghĩa, trong công tác cán bộ, Q.Cẩm Lệ cần phải có quy hoạch tốt, minh bạch, công khai.
“Có lúc nào chúng ta tự kiểm tra xem trong hệ thống công quyền có bao nhiêu người nhà của bí thư, có bao nhiêu người nhà của chủ tịch, bao nhiêu người nhà của thường trực không? Đề nghị Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra”, ông Nghĩa nói.
“Công tác cán bộ lại… mặc cả”
Tại buổi làm việc, ông Nghĩa đã thẳng thắn cho biết, H.Hòa Vang và Q.Cẩm Lệ là 2 địa phương “phức tạp về câu chuyện người nhà” trong hệ thống công quyền.
“Người nhà thì rất dễ dẫn đến câu chuyện khó làm vì nói không được. Định mắng thì người ta là con ông chú, là đứa em mình. Định nhắc nhở, kiểm điểm thì đều vướng cả. Cái này phải hết sức lưu ý…”, ông Nghĩa cảnh báo.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, chuyện người nhà trong hệ thống chính trị sẽ dẫn đến câu chuyện mất đoàn kết.
“Cuối cùng công tác cán bộ lại thành câu chuyện... mặc cả. Em anh em tôi, cháu anh cháu tôi. Đề nghị quận phải làm tốt công tác quy hoạch nhân sự, hết sức minh bạch”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cũng cho hay TP.Đà Nẵng sẽ kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá lại năng lực cán bộ, sắp xếp lại và chuẩn bị tốt cán bộ cho nhiệm kỳ sau. Chủ trương công tác cán bộ của Đà Nẵng là Bí thư, Chủ tịch không phải là người địa phương. TP sẽ cương quyết thực hiện vấn đề này, tạo điều kiện cho các cán bộ tại chỗ phát triển nhưng không có nghĩa là cứ ngồi tại địa phương đó.
“Chúng ta có hiện tượng quá nhiều con em nảy ra tình trạng ngồi ghế lâu quá. Ngồi ở vị trí không ai kiểm soát được mình thì mình quyết cả. Sắp tới, cả hệ thống, cả Đà Nẵng sẽ triển khai nghiêm túc…”, ông Nghĩa nói thêm.
Mất đoàn kết là trách nhiệm của người đứng đầu
Tại cuộc họp, liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng cần phải phân định rạch ròi vai trò của Thường vụ, vai trò của HĐND, vai trò của UBND… Mỗi vị trí mỗi việc, rõ ràng và không thể dẫm chân lên nhau, không thể thay thế nhau nhưng phải chia sẻ với nhau để làm tốt.
“Nếu làm tốt việc này thì ngay từ đầu không có mầm mống mất đoàn kết”, ông Nghĩa nói.
“Để làm tốt công việc thì Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành phải làm đúng vai, sẵn sàng chia sẻ. Có vấn đề gì thì phải thẳng thắn với nhau chứ không lại bằng mặt mà không bằng lòng, rồi lại trông cậy vào biểu quyết”, ông Nghĩa nói thêm.
Bí thư Đà Nẵng cảnh báo công tác cán bộ tại Q.Cẩm Lệ hiện đang có nhiều vấn đề ẢNH: HOÀNG SƠN
“Đôi khi biểu quyết, chúng ta phải chấp hành nhưng chưa chắc đã đúng, trúng. Làm sao biểu quyết phải trở thành ý chí trong quá trình làm việc. Người đứng đầu phải minh bạch, rõ ràng. Mất đoàn kết là trách nhiệm của người đứng đầu”.
Cũng theo ông Nghĩa, mất đoàn kết trong Thường vụ, trước hết trách nhiệm thuộc về Thường trực, mất đoàn kết trong Ban chấp hành thì trước hết trách nhiệm thuộc về Thường vụ.
Về việc phát triển Q.Cẩm Lệ theo xu hướng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng đô thị…, ông Nghĩa yêu cầu quận phải gìn giữ môi trường. Trách nhiệm của Cẩm Lệ với việc gìn giữ môi trường nước và môi trường TP là rất quan trọng.
“Trong phát triển kinh tế xã hội của Cẩm Lệ, cần biết chọn lựa, biết từ chối dự án không phù hợp. Chứ không phải là mình còn 1 - 2 năm nữa thì thôi ký cho doanh nghiệp nào đó vào, lấy chút tăng trưởng, tranh thủ chút biếu xén của họ thì hỏng hết…”, ông Nghĩa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.