Lao động nữ suốt cuộc đời mình phải gánh trên vai nhiều chức phận, mà chức phận nào cũng khó khăn, nặng nhọc. Bình đẳng giới phải được cân đo trên cơ sở những chức phận phải gánh vác giữa nam và nữ, và như thế, lao động nữ phải được “cộng thêm” khi tính lương hưu theo BHXH, chứ không phải bớt đi tính theo “chuẩn” nam giới. Chẳng hạn, lao động nam đóng BHXH đủ 30 năm thì được về hưu với tỷ lệ lương 75%, cùng lúc lao động nữ đóng BHXH đủ 25 năm khi về hưu được tính đủ 75% lương. Cái có vẻ “không bình đẳng” ấy mới đích thực là bình đẳng. Đó không phải ưu tiên hay ưu đãi gì cả, mà đó là tính đúng tính đủ xét từ giới tính tới những chức phận mà phụ nữ phải gánh vác. Nếu BHXH có gặp khó khăn, thì trước hết, cần tự xem xét và cần xã hội xem xét về việc quản lý quỹ có thật sự trong sáng, thật sự hợp lý hay không, chứ không phải vì lo nguy cơ “vỡ quỹ BHXH” mà cắt xén vào lương hưu của lao động nữ.
Là người hoạt động công đoàn, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TP.HCM, đã phát biểu rất thẳng thắn: “Việc cắt giảm tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ quá đột ngột là sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được. Nam giới có lộ trình thực hiện (việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu) trong 5 năm, tại sao nữ giới lại phải thực hiện ngay lập tức? Thế thì bình đẳng giới, ưu đãi lao động nữ ở đâu?”. Và bà Liên kêu gọi: “Đề nghị Quốc hội lắng nghe, xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp để chị em yên lòng làm việc, cống hiến”.
Lời bà Liên thể hiện mong muốn của hàng chục triệu lao động nữ. Hy vọng Quốc hội cũng thấu hiểu điều này, để có những quyết sách hợp lý ngay đầu năm 2018.
Bình luận (0)