Bộ Công an sẽ bỏ 6 tổng cục, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/07/2018 14:17 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn chứng Bộ Công an như đơn vị đi đầu trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ngày 2.7, báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành Chính phủ 6 tháng đầu năm tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, ông Mai Tiến Dũng cho hay, trong 6 tháng qua, Chính phủ đã thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan hành chính 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người.
Bên cạnh đó, sắp xếp giảm 15 vụ thuộc các bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. “Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng: không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy”, ông Dũng nêu.
Về giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, mô hình một cửa, một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, đã có 30 trung tâm hành chính công được thành lập hiện đại với 2 mô hình (trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh hoặc văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh).
Ông Dũng dẫn chứng tỉnh Quảng Ninh trong việc quyết liệt thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ”, gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, nhờ đó, cắt giảm 47% thời gian giải quyết so với quy định, tiết kiệm được 70 tỉ đồng cho ngân sách và 25 tỉ đồng cho người dân mỗi năm.
“Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn tất các công đoạn để thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ” trong quý 3/2018. Đây là mô hình thể hiện sự chủ động của địa phương, thiết thực phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Hội nghị T.Ư 6”, ông Dũng khẳng định.
Liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh, ông Dũng cho hay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công thương, Y tế .
Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỉ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm
Một số bộ chậm triển khai cắt giảm các điều kiện kinh doanh
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, trong 6 tháng, Tổ công tác đã làm việc với 17 bộ, cơ quan, 2 địa phương, 1 tổng công ty; thực hiện 3 cuộc kiểm tra nhiệm vụ, 8 cuộc kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Qua kiểm tra, nhiều nhiệm vụ được đẩy nhanh tiến độ, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách được kiến nghị tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, với các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đã chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, áp dụng cơ chế hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gắn mã HS sản phẩm, hàng hóa…
“Các bộ đã xây dựng được phương án đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất hợp lý, không cần thiết với tỷ lệ đơn giản, cắt giảm đạt từ 43 - 55,1%”, ông Dũng nêu.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, một số bộ quản lý chuyên ngành và quản lý kinh doanh có điều kiện vẫn chậm triển khai các yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
“Đến nay, trong 16 bộ, chỉ có Bộ Công thương đã trình ban hành Nghị định cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã dự thảo và lấy ý kiến thành viên Chính phủ về nghị định cắt giảm. 13 bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án nhưng chưa đạt tỷ lệ cắt giảm 50%. Còn 1 bộ chưa có phương án”, ông Dũng dẫn chứng và khẳng định, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc tích cực hơn của các bộ, cơ quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.