Bỏ quy định yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam

10/01/2018 18:42 GMT+7

Cơ quan soạn thảo dự thảo đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” trong dự thảo luật An ninh mạng .

Chiều nay, 10.1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật An ninh mạng, trong đó, các ý kiến đều tập trung vào quy định liên quan đến việc yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt bảo lưu quan điểm: để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” đã được lược bỏ sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, khoản 4 điều 34 của dự thảo cũ được chỉnh lý tại khoản 4 điều 27 dự thảo luật lần này.
Về cơ bản, khoản 4 yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên, hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ; lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng Việt Nam và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phạm an ninh mạng.
Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt cũng thừa nhận đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong luật này, nên đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Bên cạnh đó, theo ông Việt, 2 vấn đề còn tranh cãi nhất của dự luật này chính là khoản 4 điều 27 và việc tiền kiểm hay hậu kiểm đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hiện nay, đã có 14 nước, trong đó có cả Mỹ, đặt máy chủ ở Việt Nam và 40% doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng không khai báo vì liên quan đến vấn đề thuế.
Tuy dự thảo đã quy định sửa đổi như đã nêu trên, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại về khả năng vi phạm điều ước quốc tế, khi tháng 8 vừa qua, đại sứ Mỹ, Canada, Úc và trưởng phái đoàn EU, các đại sứ của cộng đồng EU đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “ủng hộ nhiều nội dung của dự luật để bảo đảm một nền an ninh quốc gia không bị đe dọa”, tuy nhiên, “có một số nội dung e rằng vi phạm cam kết quốc tế”, đặc biệt là điều khoản yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam.
Vì lẽ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, xung đột (với luật An toàn thông tin mạng đã ban hành), tránh hạn chế quyền con người và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và quy định các điều khoản mang tính khả thi cao, tránh bất lợi, đặc biệt liên quan đến điều ước quốc tế, tránh những phản ứng không đáng có xảy ra. Khoản 4 điều 27 được yêu cầu tiếp tục chỉnh lý, xin ý kiến rộng rãi thêm.
Trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hai từ nước ngoài vào Việt Nam không?”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời ngay là "không”.
Ông Tô Lâm lý giải thêm: "Việc cung cấp bí mật ra nước ngoài là hành vi bị cấm, nhưng kể cả không có internet, người ta vẫn cứ đưa ra nước ngoài. Nếu đặt ra nhiệm vụ đó cho luật này thì quá cao và không thể thực hiện được. Vấn đề là phải có pháp lý, pháp luật để ngăn chặn việc này, và xử lý được những người này. Đây là biện pháp ngăn chặn, răn đe, xử lý những người cố tình vi phạm. Nhưng nếu không có dữ liệu trong nước thì không có cơ sở nào để tìm".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.