Sức chịu đựng của những người chứng kiến và can thiệp cho các trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Quảng Nam dường như đã cạn, sau nhiều vụ liên tiếp xảy ra.
Cháu bé bị bỏ rơi hôm qua 1.12 được chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam - Ảnh: C.T.V |
Sáng nay 2.12, khi PVThanh Niên gọi hỏi thăm sức khỏe bé trai vừa lọt lòng mẹ bị bỏ rơi rạng sáng qua ở phía sau Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), bác sĩ Võ Thôi, trưởng khoa Sản nói ngắn gọn đầy hào hứng: “Tốt lắm!”.
Tâm trạng của bác sĩ Thôi hoàn toàn khác so với 1 ngày trước đó, thời điểm ông và ê kíp y bác sĩ vừa can thiệp kịp thời để cứu cháu bé.
Cả người mang cháu bé đến bệnh viện lẫn y bác sĩ đều lo lắng. Chị Dương Thị Nhớ (trú khối 1 phường Vĩnh Điện), người kịp ẵm cháu bé từ tay của mấy người đàn ông, chỉ quấn vội chiếc khăn cho cháu rồi mang đến khoa Sản vì lúc đó đứa trẻ không có gì trên người, chỉ được bọc trong một túi nilông bỏ bên đường Trần Thị Lý gần nhà chị.
Sinh mạng mong manh
Bác sĩ Võ Thôi đã xuýt xoa khi nói về hàng loạt nguy cơ mà bé sơ sinh đối mặt, dù cháu bé chỉ vừa hiện diện trên cõi đời này chừng 1-2 giờ trước đó.
Bác sĩ Thôi bảo, chỉ cần phát hiện trễ một tí thôi, cháu bé sẽ nhiễm lạnh nặng trong điều kiện chưa cắt cả dây rốn. Tình trạng đói cũng dễ dẫn đến hạ thân nhiệt, chưa kể nguy cơ nhiễm trùng cao.
“Nhưng nguy cơ lớn nhất đến từ phía côn trùng cắn, đốt. Rồi các loài súc vật như chó, mèo hay chuột tấn công, làm tổn thương”, bác sĩ Thôi nhấn mạnh.
Bác sĩ Thôi khiến chúng tôi nhớ từng có một trường hợp tương tự: cháu bé bị bỏ rơi ngoài vườn nhà một người dân ở xã miền núi Tam Thạnh, huyện Núi Thành cách đây ngót 9 năm.
Khi mọi người phát hiện, bé trai bất hạnh ấy đã bị súc vật cắn đứt 1 chân lên sát bẹn và bộ phận sinh dục.
Lúc đó, khi các bản tin đăng tải, bạn đọc khắp nơi đã không kìm được xúc động. Chính tôi đã lặn lội mang khoản tiền do bạn đọc báo Thanh Niên góp tặng đến xã Tam Thạnh để hỗ trợ cho gia đình tạm nuôi dưỡng cháu bé lúc ấy.
Cũng từ đó, một người hảo tâm ở Hà Nội đã nhận cháu bé làm con nuôi. Người phụ nữ tốt bụng đó tên là Mai Anh. Còn Thiện Nhân, cái tên ngụ ý may mắn mà người ta đặt cho cháu bé sau này, đã phải trải qua rất nhiều đợt phẫu thuật.
Suốt một thời gian dài sau đó, hình ảnh cậu bé “lính chì dũng cảm” Thiện Nhân luôn được đông đảo bạn đọc dõi theo. Chỉ riêng hình ảnh cậu bé chống nạng đĩnh đạc vào năm học mới 2012-2013 ở trường Tiểu học Tràng An (29 phố Nhà Chung, Hà Nội) cũng đủ gây xúc động mạnh.
Pháp luật cần có biện pháp răn đe!
Khi Thiện Nhân đã dần hòa nhập cuộc sống mới, thì bé gái khoảng 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trong thùng xốp bên vệ đường ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) rạng sáng 18.10 vừa qua hiện vẫn đang làm thủ tục đặt tên.
Sáng nay 2.12, bà Nguyễn Thị Sáu - Phó chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho hay lý lịch tư pháp của bé gái đang xúc tiến tại Sở Tư pháp, sau khi em gái của mẹ nuôi đã được xác nhận: bà Lê Thị Ngọt (45 tuổi), em gái ông Lê Văn Cam, người phát hiện cháu bé đầu tiên.
Dư luận giờ đã quen với cụm từ “bé gái trong thùng xốp”, nhưng dù sao câu chuyện bất hạnh này cũng tìm được một kết thúc tương đối có hậu.
Riêng người theo dõi vụ việc, bà Nguyễn Thị Sáu, vẫn chưa thôi ấm ức. Khi hay tin có thêm đứa bé chưa kịp cắt rốn bỏ rơi trên địa bàn thị xã Điện bàn vào rạng sáng qua, bà Sáu thốt lên: “Không chấp nhận được!”.
“Có cả ngàn lý do để người ta đổ lỗi cho hoàn cảnh (để bỏ rơi trẻ em – PV). Nhưng đứa trẻ đó hoàn toàn vô tôi. Tội tình chi đâu mà nỡ vứt nó?”, bà Sáu bức xúc.
Bà Sáu gợi ý, đã đến lúc pháp luật cần điều chỉnh để kiểm soát.
“Xã hội cứ chia sẻ hoàn cảnh bất hạnh như thế này mãi, rốt cuộc cũng chả “cải thiện” được tình hình. Pháp luật cần bảo vệ lẫn răn đe những trường hợp xâm hại đến tính mạng trẻ em”, bà Sáu kiến nghị.
Điều mà bà Sáu nhắn nhủ khiến chúng tôi phân vân mãi, rằng “vứt bỏ đứa bé chưa chắc đã dứt bỏ được quá khứ?”.
Nỗi day dứt cũng sẽ tìm đến với những người có lương tri, khi nghĩ về quãng đời phía trước của bé trai bị từ chối rạng sáng qua ở phường Vĩnh Điện, cách không xa nơi bé gái 7 tháng tuổi qua đêm trong thùng xốp.
Theo trình tự thủ tục, các cơ quan chức năng sẽ đăng tải thông tin tìm thân nhân. Nếu thân nhân bặt vô âm tín, sẽ là sự chọn lựa mới trong giao nhận con nuôi: một người nào đó hiếm muộn xin nhận, hay cháu bé được gửi vào cơ sở nuôi dạy trẻ em hoặc tổ chức thiện nguyện nào đó.
Và ai sẽ trả lời câu hỏi này của bà phó chủ tịch phường Điện Ngọc: “Cháu bé có tội tình gì?”.
Bình luận (0)