Bỏ trực đi ăn cháo, nhân viên đường sắt lãnh án tù

25/04/2015 07:15 GMT+7

Chiều 24.4, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên án đối với các bị cáo gây ra vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) khiến 2 người chết, 22 người bị thương vào ngày 6.2.2011 (nhằm ngày mùng 4 Tết Tân Mão).

* Phạt một tài xế ô tô 7 năm tù về tội cản trở giao thông đường sắt

Chiều 24.4, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên án đối với các bị cáo gây ra vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) khiến 2 người chết, 22 người bị thương vào ngày 6.2.2011 (nhằm ngày mùng 4 Tết Tân Mão).

Các bị cáo tại tòa Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Lê Lâm

Tòa nhận định, bị cáo Trần Minh Châu (55 tuổi, tài xế xe ô tô) là người gây ra một trong những nguyên nhân chính của vụ tai nạn, khi không chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác chắn là lùi xe lại để giải phóng các xe ra khỏi lòng cầu, làm kéo dài thời gian dẫn đến vụ tai nạn, là tác nhân khiến thiệt hại càng thêm trầm trọng.

Theo đó, tòa tuyên phạt Châu 7 năm tù về tội cản trở giao thông đường sắt. Các bị cáo Trần Văn Thời (31 tuổi), Nguyễn Văn Lương (58 tuổi), Bùi Văn Thuấn (44 tuổi), Trần Viết Hải (24 tuổi, cùng là nhân viên của Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa - thuộc Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Sài Gòn), đã không làm tròn nhiệm vụ chức trách được giao, điều tiết các loại xe vào lòng cầu Ghềnh trước khi có xe lửa, làm cho nhiều xe ô tô bị kẹt trong lòng cầu. Khi phát hiện nguy cơ va chạm giữa tàu SE2 với xe ô tô đang kẹt trong lòng cầu cũng không thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn cản tàu, từ đó dẫn đến vụ tai nạn.

Tòa tuyên phạt 3 bị cáo Thời, Lương, Thuấn mỗi người 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Hải 3 năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ 14 - 22 giờ ngày 6.2.2011, Lương và Hải được giao nhiệm vụ trực tại chắn số 3, còn Thuấn và Thời trực tại chắn số 4 tại cầu Ghềnh. Tuy nhiên, đến khoảng 19 giờ 10, Thời tự ý bỏ trực vào trạm ngồi ăn cháo.

Đến 19 giờ 18, tàu SE2 điện thoại xin đường, biết tàu sắp đến nhưng Thời vẫn ngồi ăn cháo không ra làm nhiệm vụ nên các ô tô vô tư chạy vào lòng cầu Ghềnh. Khoảng 19 giờ 26 cùng ngày, Lương quan sát đầu chắn số 4 không có xe ô tô đi vào nên ra hiệu báo bên kia không cho xe vào cầu. Dù không nhận được tín hiệu đồng ý từ phía bên kia nhưng Lương vẫn cho 5 xe ô tô đi vào lòng cầu. Vào được giữa cầu thì đoàn xe này bị kẹt lại do đối đầu với xe chiều ngược lại.

Đến 19 giờ 29, khi tàu SE2 điện thoại xin đường lần thứ hai thì Thuấn cầm đèn tín hiệu ra đầu cầu, Thời ấn nút chuông và đèn tín hiệu, đồng thời hạ chắn barie không cho ô tô vào trong lòng cầu. Thấy giữa cầu bị ùn ứ bởi hai dòng ô tô đối đầu, Thuấn chạy vào hô to: “Tàu sắp đến, de xe lại” đồng thời yêu cầu Châu (người điều khiển xe ô tô đi gần cuối đoàn) lùi xe ra để dòng xe phía đối diện qua trước nhưng Châu không đồng ý. Sau một hồi cãi nhau, Châu đồng ý de xe ra thì tàu SE2 cũng vừa đến gây ra vụ tai nạn.

Trong vụ án này còn có 3 người liên quan khác là Nguyễn Văn Túy (47 tuổi, lái tàu SE2), Nguyễn Xuân Phú (51 tuổi, phụ lái tàu SE2, thuộc Tổng công ty đường sắt VN) và Tô Quang Toán (44 tuổi, nhân viên Tổ thông tin tín hiệu ga Biên Hòa). Đối với Túy và Phú, HĐXX nhận định mặc dù không nhận được tín hiệu đèn báo cầu an toàn, nhưng vẫn cho tàu vào cầu dẫn đến vụ tai nạn. Riêng Toán là nhân viên bảo trì đèn tín hiệu nhưng thiếu trách nhiệm trong việc để đèn tín hiệu hư không sửa chữa. Sau khi tai nạn xảy ra, nhân viên đường sắt đã bắt quả tang Toán đang thay bóng đèn trên cột đèn phía nam cầu Ghềnh.

Tuy nhiên, cơ quan công tố đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do “hành vi phạm tội của ba người trên không còn nguy hiểm cho xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.