* Đưa giáo viên không đạt yêu cầu ra khỏi ngành
Chiều 9.6, các ĐB nêu ý kiến, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%.
|
|
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định mục tiêu tăng trưởng này giúp ổn định xã hội và ổn định chính trị, mặc dù mục tiêu cao nhưng phải cùng nhau phấn đấu để đạt được.
Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì vậy giải pháp căn cơ và căn bản nhất vẫn là tận dụng các điều kiện để phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết rằng tăng trưởng nông nghiệp năm nay có thể đạt 3,05%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt, có khả năng đạt 3%; xuất khẩu có thể đạt 10%; tiêu dùng cũng có thể tăng trưởng khoảng 10%...
Một vấn đề được ĐB hết sức quan tâm là thu hút đầu tư nước ngoài.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận định trong 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 thu hút đầu tư nước ngoài đã có chuyển biến tích cực, nhưng mục tiêu của việc thu hút đầu tư nước ngoài là phải tạo ra sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, phục vụ phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua vẫn nằm trong trạng thái biệt lập giữa hai khu vực giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Có hay không thao túng của nhóm lợi ích
Câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng được cử tri quan tâm, ĐB Sơn cho biết số người nhà nước tham gia quản lý vốn sở hữu nhà nước không ít, đi cùng với nó là chế độ, quyền lợi của họ.
"Cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi có hay không sự thao túng của các nhóm lợi ích, khó trả lời rằng không có bởi hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư làm giàu một cách không bình thường đang diễn ra", ông Sơn nhấn mạnh.
|
Ông Sơn nói: "Ngư dân đóng tàu để ra khơi, nhưng có vị đại diện công ty đóng tàu trả lời 'tàu hư do nước biển mặn'. Tôi không hiểu được sao lại trả lời như vậy. Có những sai phạm mười mươi đã rõ nhưng người liên quan tranh cãi, họ chối bỏ trách nhiệm khiến ngư dân khó khăn, nợ ngân hàng ngày càng nhiều. Người dân cả nước trông chờ Chính phủ xử lý, giải quyết dứt điểm vấn đề này".
Cuối ngày, giải trình các vấn đề quốc hội quan tâm về tình hình khiếu nại tố cáo, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết tình hình khiếu nại tố cáo thời gian năm 2017 tăng so với cùng kỳ 2016, tình hình khiếu kiện của công dân có xu hướng phức tạp sau khi xảy ra sự cố môi trường ở miền Trung.
Các vụ tụ tập đông người khiếu kiện nguyên nhân chủ yếu là do khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xử lý hài hòa cho người dân, quản lý nhà nước còn yếu kém.
Trong thời gian tới, ông Sáu khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm về luật đất đai, tố cáo, khiếu nại, tiếp công dân, đặc biệt giải quyết những vụ việc đông người, phức tạp, tiếp tục kiểm tra việc thực hiện luật đất đai ở các địa phương, nâng cao trách nhiệm thanh tra, kiểm tra.
Đưa giáo viên không đạt yêu cầu ra khỏi ngành
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi giải trình những vấn đề liên quan đến giáo dục với Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm nay (9.6).
Ông Nhạ nhấn mạnh sẽ đưa những giáo viên không đạt yêu cầu ra khỏi ngành theo Nghị quyết 29.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng nên chuyển đổi cơ chế từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động vì muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và năng lực. Trong đó, động lực từ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục rất quan trọng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thêm, phần đông giáo viên có tâm lý vào biên chế nhằm ổn định nên gặp khó khăn trong vấn đề nâng cao kiến thức, phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không cao.
Theo đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất thí điểm việc chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Đầu tiên sẽ thí điểm ở trường đại học và một số trường THPT có điều kiện, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng hơn.
Bộ trưởng khẳng định trong thời gian sắp tới, giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.
|
Bình luận (0)