Giải trình trước Quốc hội sáng 31.5 về sự lan rộng của dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam đã có phản ứng tích cực ngay từ đầu.
Theo ông Cường, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện lần đầu tiên tại Kenya (nên được gọi là dịch tả lợn châu Phi) và có mức độ nguy hiểm rất cao: gần như 100% đàn lợn bị tấn công bởi vi rút này sẽ chết; vi rút có thể sống rất lâu trong không khí ở điều kiện thường và đặc biệt nhất là đã sau 100 năm, thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin hay thuốc chữa loại dịch bệnh này.
Với mức độ nguy hiểm đó, theo Bộ trưởng Cường, chỉ 1 tuần sau khi Trung Quốc xuất hiện dịch, vào ngày 30.8.2018, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ban hành công điện khẩn gửi đến tất cả các địa phương, các ngành, yêu cầu ngăn chặn từ xa.
Sau đó 2 tuần, đến ngày 19.9.2018, Phó thủ tướng cũng đã họp chỉ đạo tại Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, có truyền hình trực tiếp đến tất cả các địa phương nhằm cảnh báo dịch bệnh và yêu cầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị ứng phó.
Diễn tập ngăn ngừa dịch cũng đã được tổ chức tại nhiều nơi, “tất cả các địa phương đã vào cuộc tích cực”, theo Bộ trưởng Cường.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng bày tỏ “rất đáng tiếc” vì “với tính chất đặc biệt của vi rút này, với biên giới kề cận hơn 1.400 km mà Trung Quốc đang thiệt hại rất lớn về dịch”, ngày 1.2.2019, ổ dịch đầu tiên đã xảy ra ở Hưng Yên.
“Cả hệ thống thú y, nhân dân, chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực, nhưng do đặc điểm vi rút, do Việt Nam còn 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liền kề khu dân cư, nên đến nay, dịch đã lan ra 48 tỉnh, đã tiêu hủy hơn 2 triệu con (117.000 tấn), chiếm 6,5% tổng đàn lợn. Đây là thiệt hại vô cùng lớn!”, Bộ trưởng Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, với diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp như năm nay, nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan ra các vùng còn lại, cũng như quay lại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh.
“Nếu không phòng trừ tốt, dịch sẽ lan ra các hộ lớn và nếu xảy ra là cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, chúng ta mới có dịch ở các hộ chăn nuôi nhỏ”, ông Cường nói, và nhấn mạnh vì tính chất cấp bách này, Ban Bí thư cũng đã phải ban hành chỉ thị, Thủ tướng chỉ đạo với tinh thần chung là “dập dịch như diệt giặc”, phòng bệnh là chính, vì không có thuốc trừ bệnh.
“Thủ tướng cũng đã chỉ đạo với tinh thần chung là xác định phải sống chung lâu dài với dịch”, ông Cường báo cáo.
An toàn sinh học là “vũ khí duy nhất”
Cảnh báo nguy cơ giá lợn giảm sâu hơn ở thời điểm này nhưng quý 3, quý 4 sẽ sốt giá vì khan hiếm hàng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện bộ đang cố gắng ngăn chặn, không để dịch lây lan bằng cách tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, bởi đây là “vũ khí duy nhất”.
Nếu làm triệt để giải pháp này có thể ngăn không để dịch lan tỏa tiếp, đặc biệt ở khu vực chăn nuôi lớn.
Để giảm nguy cơ thiệt hại về kinh tế, hiện Bộ Công thương cũng đã họp bàn với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp dự trữ thịt đông lạnh. Các hộ chăn nuôi cũng được khuyến khích không tăng đàn lúc này vì nguy cơ rủi ro rất cao, thay vào đó, thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... trên cơ sở tăng trưởng có liên kết để chống dịch bệnh và tránh nguy cơ xuống giá.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, trong trung hạn, hiện Việt Nam đang thúc đẩy các giải pháp khoa học, nghiên cứu thêm các giải pháp an toàn sinh học và thậm chí nghiên cứu cả vắc xin.
Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các hộ nông dân bị thiệt hại trên nguyên tắc cố gắng tối đa tạo điều kiện để người dân cùng vượt qua trong lúc khó khăn nhất.
“Đây là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, rất mong sự chia sẻ chung để giúp người nông dân”, ông Cường kết thúc phần giải trình.
Bình luận (0)