Bộ trưởng Tài chính: 'Kiểm soát tiêu cực không phải xảy ra vụ việc mới làm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/05/2020 17:27 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, các biện pháp tăng cường kỷ luật ngành thuế, hải quan được triển khai đồng bộ trong nhiều năm, chứ không chỉ khi xảy ra vụ việc như nhận hối lộ tại Bắc Ninh mới làm.

"Một năm trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác"

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 28.5, liên quan tới nghi án cán bộ ngành thuế, hải quan ở Bắc Ninh nhận hối lộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, không phải tới khi có sự vụ thì ngành tài chính mới giải quyết mà các giải pháp phòng ngừa tiêu cực trong ngành đã được tiến hành trong nhiều năm qua.
Theo ông Dũng, các giải pháp phòng ngừa đã được triển khai đồng bộ, từ xây dựng pháp luật để đổi mới phương thức quản lý ngành tài chính từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đến cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa toàn ngành.
“Bây giờ thuế má, kê khai kể cả chi tiêu ngân sách, thu nợ thuế, kể cả thông quan, đều là điện tử. Phải nhìn thẳng vào một sự thực như thế”, ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong quản trị, quản lý nội bộ, ngành tài chính các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành cũng được triển khai rất đồng bộ. “Mà phải nói là chúng tôi đã triển khai trong nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới làm, nó mới được thế này”, ông Dũng cho hay.
Một biện pháp được ông Dũng đưa ra là việc luân phiên, luân chuyển vị trí công tác cán bộ ngành thuế, hải quan để phòng ngừa tham nhũng đã được ngành tài chính thực hiện từ 2014.
“Bình thường một năm trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác. Quy định rõ ràng, vị trí nào 2 năm, 3 năm, 4 năm là phải chuyển đổi, cho nên thực hiện rất thường xuyên”, ông Dũng nói.

"Không thể tránh khỏi chuyện tiêu cực"

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện công tác, "không thể tránh khỏi chuyện tiêu cực".
"Tôi cho rằng, mình có làm thế nào chăng nữa, cũng là sự cố gắng rồi, nhưng để tuyệt đối thì cũng khó. Vẫn còn phải tiếp tục nữa”, ông Dũng nói và cho biết, khi sự cố xảy ra, quá trình thanh, kiểm tra phát hiện hoặc dư luận phản ánh thì tập trung xử lý dứt điểm.
Ông Dũng cũng cho biết, việc thanh, kiểm tra thuế được kiểm tra thường xuyên tại các cơ quan thuế. “Hàng năm xử lý 50.000 - 70.000 tỉ qua thanh, kiểm tra. Tăng thu ngân sách bình quân mấy năm gần đây tôi theo dõi cũng từ 15.000 - 18.000 tỉ mỗi năm”, ông Dũng thông tin.
Vừa qua, một loạt các tờ báo lớn của Nhật Bản đăng tải thông tin Công ty sản xuất nhựa Tenma (công ty mẹ của Công ty Tenma Việt Nam) đã tự nguyện báo với công tố viên quận Tokyo (Nhật) rằng Tenma Việt Nam đã hối lộ 2 lần với tổng số tiền khoảng 25 triệu yen (hơn 5 tỉ đồng) cho một số quan chức hải quan và ngành thuế địa phương để được giảm thuế.
Ngay sau khi sự việc được báo chí nêu, Bộ Tài chính đã thành lập ngay đoàn thanh tra để thanh tra Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các cá nhân có liên quan. Các cán bộ tại 2 cơ quan này đã bị tạm đình chỉ 15 ngày để kiểm điểm, phục vụ công tác thanh tra.
Kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn số hạn chế
Trong báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 mà Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa trình bày tại Quốc hội chiều nay đánh giá việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.