Bỏ 'viên chức suốt đời' dễ nảy sinh tiêu cực?

10/06/2019 06:11 GMT+7

“Cứ chưa tới 3 năm là tôi không ký lại hợp đồng nữa, anh đi đâu thì đi, tôi tuyển người khác. Như vậy nó sẽ phát sinh các hệ lụy, tiêu cực”, ĐB Xuyền nói.

Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cho rằng, đề xuất thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức có thể gây ra tâm lý không ổn định, nảy sinh cơ chế xin - cho khi đến hạn ký lại hợp đồng, đồng thời cũng không phù hợp với quy định tại bộ luật Lao động.
Bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn, chuyển sang hợp đồng xác định thời hạn để “bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng, tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức” là một trong những đề xuất được đưa ra tại dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sẽ được thảo luận hôm nay, 10.6, tại Quốc hội. Mặc dù, theo cơ quan trình dự án luật, chủ trương này là nhằm hiện thực hóa các nghị quyết của T.Ư, song nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội vẫn băn khoăn khi chính sách này triển khai.

Viên chức nơm nớp lo mất việc

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật chia sẻ rằng ông “chưa đồng tình cao” với đề xuất này bởi quy định không được ký hợp đồng ngắn hạn quá 2 lần là một chế định trong bộ luật Lao động đã được thực hiện từ rất lâu và không có vướng mắc gì. “Nếu bây giờ đặt vấn đề bỏ cái đó với đối tượng viên chức thì sẽ tạo tâm lý không yên tâm, không ổn định lao động, công tác vì không thể biết 3 năm sau mình còn làm việc đó nữa hay không”, ĐB Xuyền nói và cho rằng việc bỏ hợp đồng dài hạn cũng “có cái gì đó không bảo vệ người lao động”.
Bây giờ anh cứ kêu chất lượng viên chức kém thì người sử dụng lao động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để đánh giá làm sao tăng tính cạnh tranh, loại khỏi bộ máy những viên chức không đạt yêu cầu, hơn là làm chuyện cứ vài năm lại ký lại hợp đồng một lần
ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa)
Bên cạnh đó, theo ĐB Xuyền, việc chuyển sang hợp đồng ngắn hạn có thể làm nảy sinh cơ chế xin - cho mỗi khi đến hạn ký hợp đồng. Theo ĐB, nếu như không có cơ chế để ràng buộc thì có thể dẫn đến việc sa thải người lao động một cách vô tội vạ. “Cứ chưa tới 3 năm là tôi không ký lại hợp đồng nữa, anh đi đâu thì đi, tôi tuyển người khác. Như vậy nó sẽ phát sinh các hệ lụy, tiêu cực”, ĐB Xuyền nói và cho rằng đó là điều rất đáng lo ngại.
Đồng tình với những lý do cơ quan soạn thảo đưa ra, song ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho biết, điều ông lo lắng hơn là bộ máy tuyển lọc, quyết định giữ người này, bỏ người kia mỗi khi đến hạn ký hợp đồng sẽ là ai. “Nếu bộ máy không trong sạch thì nó sẽ là sơ hở để tiêu cực xảy ra”, ĐB tỉnh Đồng Nai nói và cho rằng, nếu như thực hiện điều này cần phải có hệ thống giám sát nếu không tiêu cực sẽ chỉ biến dạng, đi từ góc này sang góc kia. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Ninh Thuận, thì nhìn nhận: “Tôi nói thực, trong thực tế, một số viên chức rất mệt mỏi vấn đề này. Làm việc mà luôn nơm nớp lo sợ không biết mình có được hợp đồng lại không. Có trường hợp trong năm làm việc được khen tốt nhưng cuối năm lại bị từ chối ký hợp đồng vì lý do này, lý do khác”, ĐB Hương nêu.

Cơ chế để sa thải người yếu kém

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương cũng cho rằng, lý do chuyển sang hợp đồng ngắn hạn để khắc phục tình trạng “vào dễ, ra khó”, tạo động lực để viên chức phấn đấu liên tục là không hợp lý. “Không lẽ không ký hợp đồng lại mới phấn đấu nâng cao trình độ còn ký hợp đồng lại từng năm một thì mới phấn đấu?”, ĐB Hương nói đồng thời cho rằng, trước khi ký hợp đồng không xác định thời hạn thì người sử dụng lao động cũng có 2 lần ký hợp đồng ngắn hạn nên nói rằng phải ký hợp đồng lại theo từng năm mới lựa chọn được viên chức phù hợp là không đúng.
Theo GS Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, mỗi quy định đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực, song cho rằng, bản chất của vấn đề không phải là hợp đồng ngắn hạn hay không xác định thời hạn. “Bản chất là phải cho người ta cơ chế để sa thải. Đồng thời cũng cho người ta cơ chế để có thể ra đi”, GS Hoa nói và cho rằng, việc đưa ra các lý do như ký hợp đồng không xác định thời hạn thì đuổi việc rất khó là ngụy biện. “Cũng là do xã hội mình nhìn các vấn đề không thực chất. Khi người lao động làm kém, xã hội cũng không ủng hộ quyền sa thải của cơ quan sử dụng lao động. Nhiều cơ quan nhà nước không quan tâm tới chất lượng, hiệu quả công việc nên cũng không có quyết tâm sa thải những người làm việc kém, thậm chí còn cố tình sử dụng người đó do liên quan tới lợi ích cá nhân người ra quyết định”, GS Hoa nói thêm.
Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Văn Xuyền nhận định, đánh giá công chức, viên chức hiện vẫn là khâu yếu nhất cần phải thay đổi. “Thực tế có những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nhưng cơ quan không đánh giá được là anh ta không hoàn thành nhiệm vụ, may lắm là đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nên không loại được cán bộ không đủ năng lực, làm việc thiếu trách nhiệm. Thành ra bế tắc trong các cơ quan”, ĐB nói và dẫn chứng số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, chỉ 0,59% trong tổng số gần 2 triệu công chức, viên chức “không hoàn thành nhiệm vụ” trong năm 2018. ĐB Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thì nhấn mạnh giải pháp hữu hiệu hơn cả là giải quyết được tình trạng nể nang khi đánh giá và tăng thẩm quyền cho người sử dụng lao động. “Bây giờ anh cứ kêu chất lượng viên chức kém thì người sử dụng lao động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để đánh giá làm sao tăng tính cạnh tranh, loại khỏi bộ máy những viên chức không đạt yêu cầu, hơn là làm chuyện cứ vài năm lại ký lại hợp đồng một lần”, ĐB Sỹ nói.
Tuần này, Quốc hội sẽ thông qua 7 luật và một số nghị quyết quan trọng
Bước vào tuần làm việc thứ 4, tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 7 (10 - 14.6), các ĐB Quốc hội sẽ thông qua 7 luật, một số nghị quyết quan trọng.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21.11.2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức TAND; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.
7 luật sẽ được thông qua gồm: luật Quản lý thuế (sửa đổi); luật Kiến trúc; luật Đầu tư công (sửa đổi); luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ; luật Giáo dục (sửa đổi); luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cũng trong tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 7, các ĐB Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức; luật Lực lượng dự bị động viên; luật Thư viện; luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN; bộ luật Lao động (sửa đổi); luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); luật Chứng khoán (sửa đổi).
TTXVN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.