Phóng viên Thanh Niên đã tìm hiểu và nhận thấy có một số thông tin có thể cung cấp thêm để bạn đọc rõ hơn xung quanh vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Thi - Phó trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Qua nghiên cứu, Viện đã phát hiện được khoảng 40 loài cá nóc biển tại VN. Phân tích độc tố trên 35 loài cá nóc thì có 14 loài chưa phát hiện thấy độc và 21 loài chứa độc với mức độ khác nhau. Trong 21 loài có độc thì 10 loài có độc tính mạnh, 7 loài có độc tính trung bình và 4 loài có độc tính nhẹ.
Còn theo ông Cao Hương Thiên - Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao (KCN Tắc Cậu, H.Châu Thành, Kiên Giang) - doanh nghiệp được phép chế biến xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc tại tỉnh Kiên Giang thì cá nóc có loài độc, có loài không độc hoặc ít độc.
Ở VN, cá nóc có gần như quanh năm, nhất là vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy đây là món ăn rất ngon nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, cá nóc đã từng gây ra nhiều vụ ngộ độc nặng ở cả người lớn và trẻ em.
Chất độc ở cá nóc tập trung chủ yếu ở phần nội tạng, đặc biệt ở túi mật, trứng, gan, ruột và da... Chất độc này có tên là Tetrordotoxinacid hay anhidroTetradotoxin. Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1 giờ 30 phút - 8 giờ.
Vì sự hiểu biết của ngư dân cũng như người dân về cá nóc chưa thấu đáo, cũng có thể do chủ quan nên rất ít người phân biệt được cá nóc độc hay không độc cũng như không biết cách chế biến nên dẫn đến ngộ độc.
Dẫu cá nóc có chứa chất độc nhưng hiện một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp giảm bớt độc tố trong cá nóc và khống chế số lượng ăn mỗi bữa của khách hàng trong các nhà hàng đặc sản chuyên về cá nóc. Vì thế, các nước này có nhu cầu nhập khẩu cá nóc theo tiêu chuẩn của họ.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, vào giữa tháng 10.2009 UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương trình Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện thí điểm khai thác, thu gom, chế biến và bảo quản cá nóc để xuất khẩu sang Hàn Quốc, đề nghị này được chấp thuận và đưa vào thực hiện.
Cũng theo ông Thiên thì việc chế biến cá nóc xuất khẩu sang Hàn Quốc hiện nay đều chịu sự giám sát của nhà nhập khẩu nước ngoài, từ khâu thu mua, phân loại, chế biến cho đến khâu xuất. Sau khi nhập khẩu, phía đối tác sẽ tiếp tục chế biến, áp dụng phương pháp loại độc tố ra khỏi cá nóc trước khi đưa vào nhà hàng phục vụ thực khách.
10 loài cá nóc có độc tố mạnh: Nóc chấm cam; nóc vằn mắt, nóc tro; nóc đuôi vằn đen; nóc dẹt; nóc răng mỏ chim; nóc vằn; nóc đầu thỏ chấm tròn; nóc chuột vân bụng; nóc chấm đen. 14 loài chưa phát hiện thấy độc: Nóc nhím chấm đen; nóc sừng đuôi dài; nóc hòm tròn lưng; nóc chóp; nóc hòm mũi nhỏ; nóc nhím sáu vằn; nóc nhím gai thô dài; nóc nhím chấm vàng; nóc gáo; nóc bạc; nóc xanh; Lophodiodon calori; Tetrosomus concatenasus; nóc hòm dô trán. (Nguồn: Viện Nghiên cứu hải sản) Một số vụ tử vong do ngộ độc cá nóc gần đây Ngày 3.5.2010, ông Dương Bá Thừa, 54 tuổi, ngụ tại thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế dùng cá nóc làm mồi nhậu lúc 18 giờ. Hai tiếng sau, ông Thừa chóng mặt, ôm bụng kêu la, nôn mửa, được đưa đi cấp cứu ở BV H.Quảng Điền và tử vong sau đó. Ngày 18.7.2010, ông Võ Văn Nhắn, 38 tuổi, ngụ tại ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông, H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã nướng và ăn khoảng 1/4 lượng trứng cá nóc vào bữa ăn tối. Đến 22 giờ, ông mệt, khó thở, cứng hàm sau đó tử vong lúc 0 giờ 45 phút. Ngày 2.12.2010, Nguyễn Văn Ca, 54 tuổi ngụ tại xã đảo Ngọc Vừng, H.Vân Đồn, Quảng Ninh chết do ăn cá nóc đánh bắt được. Tiếp đó, ngày 22.12, chị Nguyễn Thị Hồng, 47 tuổi ngụ tại P.Cao Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh mua cá nóc ngoài chợ về nấu cho gia đình ăn. Sau khi ăn cơm, chị Hồng cùng chồng và con gái bị ngộ độc. Chị Hồng tử vong ngay sau đó. T.Đ |
Thanh Đông
Bình luận (0)