'Cà phê pin' chỉ dùng trộn vào tiêu, không trộn vào cà phê

27/04/2018 05:05 GMT+7

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo về kết quả điều tra bước đầu vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin do tỉnh Đắk Nông tổ chức chiều 26.4.

Chủ trì họp báo là ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh và đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông.
Theo thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã bắt khẩn cấp 5 người liên quan vụ sản xuất, mua bán hỗn hợp phế phẩm cà phê, hạt đá nhỏ, nhuộm lõi pin; lệnh bắt đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Những người bị bắt khẩn cấp gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, xã Nghĩa Thắng, H.Đắk R’lấp), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi), Trần Văn Tuấn (42 tuổi, cùng trú xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song, Đắk Nông) và Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, địa chỉ tại H.Lộc Ninh, Bình Phước).
Trước đó, ngày 15.4, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông kiểm tra, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản của Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo, ở xã Đắk Wer, có hành vi pha trộn nước bột pin vào hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ. Lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường hơn 21 tấn hỗn hợp trên đã sấy khô, đóng bao, cùng nhiều tấn đá sỏi kích thước 2 - 3 mm, dung dịch màu đen, lõi pin... Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm bán kiếm lời, đồng thời tự nghĩ ra quy trình nhuộm đen hỗn hợp.
Bà Loan khai nhận bán hỗn hợp này cho Thơ; Thơ thuê Tuấn lái xe bán sản phẩm cho bà Dung. Kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Dung, cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ 9 tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp này đóng trong 360 bao. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thu giữ 11 tấn chứa trong 315 bao pha trộn hỗn hợp với vôi, phân lân, phân heo. Bà Dung khai sau khi cơ sở bà Loan bị phát hiện, bà đã cho người pha trộn những thứ này làm phân bón để tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ.
Theo đại tá Lê Vinh Quy, quá trình điều tra xác định bắt đầu từ tháng 1.2018 bà Loan làm ra sản phẩm này rồi bán cho Dung để trộn vào hồ tiêu. Sản phẩm mà vợ chồng Loan, Bảo bán cho Thơ, Tuấn; sau đó bà Dung đã mua, khối lượng là 3 tấn. Bà Dung đã trộn hỗn hợp trên vào hồ tiêu để xuất bán với tỷ lệ 18,34% trong tổng số 9 tấn hồ tiêu bị thu giữ. Theo đại tá Quy, số lượng tiêu tại cơ sở bà Dung đấu trộn với hỗn hợp mua từ cơ sở bà Loan đã được bắt giữ, thu hồi, chưa bán ra thị trường.
Tại cuộc họp báo, ông Ngô Xuân Lộc nhận định: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê”. Ông Lộc cũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục thông tin sau khi có kết quả điều tra tình tiết của vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.